Theo UBND TP Vũng Tàu, từ năm 2017 đến nay, có hơn 60 cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã của thành phố xin nghỉ việc.
17 phường, xã của thành phố được giao tổng cộng 425 cán bộ, công chức nhưng hiện nay chỉ có 351 người làm việc. Những người không chuyên trách được giao 374 người nhưng đến nay chỉ có 279 người đang làm việc tại các phường, xã.
Một lãnh đạo Phòng Nội vụ TP Vũng Tàu cho biết, cán bộ, công chức và những người làm việc không chuyên trách tại các phường, xã mặc dù đang thiếu trầm trọng nhưng phòng vẫn đang phải làm thủ tục cho nhiều người xin nghỉ việc theo nguyện vọng. Phần lớn đơn xin nghỉ việc đều có lý do chung là khó khăn về kinh tế.
thunhap_jzyh_slwe.jpg
Cán bộ UBND phường 4 (TP Vũng Tàu) tiếp nhận hồ sơ của người dân.
Còn một chuyên viên Phòng Nội vụ TP Vũng Tàu cho biết, từ khi UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bãi bỏ thực hiện chế độ thực hiện trợ cấp khuyến khích người có trình độ cao đẳng, đại học công tác tại các xã, phường thì thu nhập của cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách bị giảm khoảng 40% lương.
Tổng thu nhập mỗi tháng chỉ hơn 2,2 triệu đồng
Ông Phạm Trọng Khoa, Chủ tịch UBND phường 3 (TP Vũng Tàu) cho hay, tổng thu nhập của một người hoạt động không chuyên trách tại phường giờ chỉ còn hơn 2,2 triệu đồng/tháng.
“Mức thu nhập này là quá thấp so với trước đây UBND tỉnh chưa có văn bản chấm dứt chế độ trợ cấp khuyến khích người có trình độ cao đẳng. Công việc của cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã rất nhiều và áp lực nhưng mức lương, trợ cấp cho họ không phù hợp, tương xứng với việc làm của họ nên nhiều người xin nghỉ việc hàng loạt”, ông Khoa nói.
Tại phường Rạch Dừa cũng có nhiều cán bộ, công chức xin nghỉ việc hàng loạt. Khối lượng công việc phường này cần có hai kế toán nhưng hiện cả hai đã xin nghỉ việc. Để giải quyết khó khăn về nhân lực, Phòng Nội vụ TP Vũng Tàu đã điều động một cán bộ tại phòng về làm kế toán cho phường Rạch Dừa.
Ông Nguyễn Thế Lực, Chủ tịch UBND phường Rạch Dừa cho biết, do không có kế toán nên lương tháng 6 của toàn bộ cán bộ, công nhân viên của phường này chưa được nhận.
“Năm 2017, phường còn không có công chức tư pháp do mức lương thấp nên người này xin nghỉ việc. Sau đó, phường phải xin chủ trương của thành phố cho công chức địa chính phường có bằng luật kiêm nhiệm tư pháp. Đến đầu tháng 3 vừa qua, thành phố đã điều động một công chức tư pháp tại phường khác về đây làm việc”, ông Lực chia sẻ.
Trước thực trạng nhiều người xin nghỉ việc tại các phường, xã, UBND TP Vũng Tàu đã kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ tăng thu nhập cho những người hoạt động không chuyên trách và rút ngắn thủ tục tuyển dụng.
Một lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu cho biết, UBND TP Vũng Tàu đã chỉ đạo Phòng Nội vụ, Tài chính nghiên cứu hướng dẫn cơ chế thực hiện quỹ tiết kiệm khoán đúng, đủ, thoáng hơn để các phường, xã chủ động trích từ quỹ này hỗ trợ, tăng thêm cho những người hoạt động không chuyên trách./.

Chi gần 29 tỉ đồng để tinh giản biên chế 214 người
Ngày 1/7, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký quyết định chi gần 29 tỉ đồng để tinh giản biên chế 214 người thuộc khối hành chính (51 người); khối sự nghiệp công lập (159 người) và khối đảng, đoàn thể (4 người). Trong đó, 198 người nghỉ hưu trước tuổi, 16 người bị cho thôi việc ngay vì hạn chế về năng lực.
Về tiền hỗ trợ, đối với người nghỉ hưu trước tuổi được hỗ trợ thêm các tháng lương và các phụ cấp khác cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu; đối với người cho thôi việc ngay được trợ cấp và hưởng các chế độ khác theo quy định. Đây là đợt 2 trong năm 2018 tỉnh Thanh Hóa thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Trước đó, đợt 1 năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định chi gần 21 tỉ đồng để tinh giản biên chế 186 người./.
Minh Hải