Năm 2013, Thành đoàn Hà Nội tổ chức tuyên dương 206 thủ khoa và 123 thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn với số điểm rất cao tại các khoa, ngành đào tạo của các trường thuộc hệ đào tạo tập trung, chính quy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong số đó có nhiều bạn là đảng viên, sinh viên nghèo, đạt điểm trung bình toàn khoá trên 9,0. Cũng có nhiều bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng có tinh thần vươn lên, vượt khó trong học tập đã có những công trình nghiên cứu khoa học, những đề tài, sáng kiến, giải pháp thiết thực, hiệu quả được giải trong nước và quốc tế và đặc biệt trong đó còn có bạn là nòng cốt trong các hoạt động Đoàn, Hội tại trường mình...
Vừa qua, các bạn thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp tại các trường đại học, học viện đã có cuộc giao lưu với các em học sinh của Trường THPT dân tộc nội trú huyện Ba Vì (Hà Nội), với chủ đề “Bí quyết trở thành thủ khoa”. Những chia sẻ của các thủ khoa là những bài học kinh nghiệm, là hành trang tiếp thêm động lực cho các em học sinh đã và sắp bước vào kỳ thi chinh phục giảng đường đại học. Giữ vững lập trường của bản thân
Trước thực tế nhiều bạn học phổ thông rất tốt, thi đỗ đại học với điểm số cao nhưng khi lên học đại học không còn giữ được thành tích như cũ, bạn Phạm Văn Thanh, thủ khoa chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm – Đại học FPT cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc này là do các bạn chưa thích ứng được với môi trường học ở đại học, đôi khi bị cuốn vào các hoạt động khác mà không chú tâm vào việc học hành. Nhiều bạn nam khi vào đại học mắc chứng “nghiện” game, hay sa sút vào những trò chơi vô bổ trên mạng. Bên cạnh đó, nhiều bạn tỏ ra hối hận với quyết định chọn ngành học của mình, không hứng thú, đam mê với ngành học, không có sự đầu tư thời gian, công sức cho việc học, nên việc sa sút phong độ học tập cũng là điều dễ hiểu.
Phạm Văn Thanh (ngồi giữa) thủ khoa chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm – Đại học FPT trong buổi giao lưu chia sẻ bí quyết trở thành thủ khoa (Ảnh: Lạc Trung) |
“Chính vì vậy, mỗi khi gặp chán nản trong học tập, các bạn hãy tìm đến bạn bè, gia đình, thầy cô để tìm nguồn động viên, chia sẻ với họ những điều các bạn gặp khó khăn để lấy lại tinh thần; và quan trọng nhất là bản thân mỗi người cần có sự nỗ lực, giữ vững lập trường cũng như các quyết định của bản thân”, Thanh chia sẻ.
Theo Thanh, hiện nay nhiều trường đại học ở nước ta đều thực hành phương pháp là thầy cô nói, học trò ở dưới chăm chú viết. Hiện trạng này thực sự chưa hiệu quả trong học tập. Vì hành động nói thì tương xứng với hành động nghe, còn hành động viết lại tương xứng với hành động đọc hơn. Chính vì vậy, phương pháp học tập của Thanh đơn giản là trên lớp chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài, cố gắng hiểu và ghi nhớ ngay trên lớp, như thế sẽ tiếp thu được nhiều và ghi nhớ kiến thức lâu hơn. Còn thời gian về nhà, Thanh cố gắng tận dụng hết thời gian để thực hành những kiến thức mà thầy cô đã truyền đạt.
Quyết tâm đi đến cùng với đam mê
Là nữ, nhưng lại học chuyên ngành khá đặc biệt mà nam giới thường có lợi thế hơn, nên ban đầu Đặng Thị Thủy – thủ khoa ngành Cảnh sát điều tra tội phạm xâm phạm về trật tự an toàn xã hội– Học viện Cảnh sát nhân dân gặp không ít khó khăn. Thủy chia sẻ, do đặc thù ngành đào tạo, môi trường theo học đòi hỏi rất cao về thể lực như võ thuật, bơi lội, bắn súng, lái xe… nên trong quá trình học việc bị chấn thương là điều không tránh khỏi. Thêm nữa, điều lệnh khắt khe trong môi trường học viện Cảnh sát nhân dân luôn yêu cầu nam, nữ phải chấp hành nghiêm túc ngang nhau. Song ngay từ đầu, khi quyết định chọn chuyên ngành học, Thủy đã tự xác định cho mình một tinh thần thép, phải cố gắng thích nghi với hoàn cảnh, quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành cảnh sát của mình.
Đặng Thị Thủy – thủ khoa ngành Cảnh sát điều tra tội phạm xâm phạm về trật tự an toàn xã hội– Học viện Cảnh sát nhân dân (Ảnh: Lạc Trung) |
Thủy cho biết: “Học trong môi trường cảnh sát, kỷ luật luôn là tiêu chí hàng đầu. Lịch học tập, sinh hoạt được sắp xếp rất chi tiết và chặt chẽ. Chính vì vậy, vừa hoàn thành công việc học tập, vừa đảm bảo tốt các hoạt động xã hội, bản thân mỗi người phải có phương pháp hợp lý để thích nghi với môi trường đào tạo. Cố gắng sắp xếp việc gì làm trước, việc gì làm sau và khi đã làm bạn hãy tận dụng hết thời gian để giải quyết một cách hiệu quả nhất”.
Năm lớp 8, khi bắt đầu làm quen với môn Hóa học, Bùi Thị Yến Hằng (Hải Phòng) đã có hứng thú với môn học này. Quyết tâm trở thành nhà nghiên cứu khoa học, chuyên ngành Hóa học đã thôi thúc Hằng từng ngày, cần phải nhanh chóng đạt được mục tiêu.
Tốt nghiệp lớp 12, Hằng thi vào khoa Sư phạm Hóa, trường ĐH Sư phạm Hà Nội với điểm số 29, và trở thành thủ khoa của trường năm học đó. Nhờ có nền tảng kiến thức tốt, sau 4 năm đại học, cô nữ sinh tiếp tục đạt được cú đúp, trở thành thủ khoa đầu ra của trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Bùi Thị Yến Hằng (Thủ khoa đầu vào và đầu ra trường ĐH Sư phạm Hà Nội) |
Với Yến Hằng, việc học tập luôn là ưu tiên hàng đầu và Hằng luôn đặt ra mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Một điều quan trọng khác, Hằng luôn tìm cho mình phương pháp học tập khoa học, không phải gần đến kỳ thi mới học mà tập trung học trong suốt kỳ học, cố gắng vận dụng liên hệ với thực tế để thu thập thêm kiến thức không có trong sách vở, cộng với việc tìm tòi, đọc thêm các giáo trình của nước ngoài để nâng cao kiến thức cũng như nâng cao khả năng tiếng Anh.
“Thiên tài chỉ tạo nên bởi 1% sự thông minh, còn 99% được tạo nên bởi sự cần cù và chăm chỉ, chính vì thế mình đã nỗ lực hết sức mình, chăm chỉ, cố gắng theo đuổi mục đích mà mình đã đề ra. Hóa học là môn khoa học thực nghiệm, nên không chỉ học tập với một lượng kiến thức khổng lồ mà việc thực hành trong phòng thí nghiệm cũng rất quan trọng. Đôi khi, làm một thí nghiệm nhưng kết quả không đúng theo ý mình, mình cảm thấy rất buồn. Những lúc đó, mình nghĩ lại đây chính là con đường mình đã chọn nên những thất bại đó không thể làm cho mình chùn bước mà phải nỗ lực không ngừng để đi đến cùng với đam mê”, Yến Hằng tâm sự.
Yến Hằng cũng cho biết thêm, trong quá trình học, bạn không quá đề cao thành tích mà quan trọng là việc tích lũy kiến thức, đồng thời tham gia các hoạt động xã hội để tăng cường các kỹ năng để không bị “chìm” trong môi trường đại học./.