Là tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn trong khu vực và cả nước, Đồng Tháp cũng đứng trước nguy cơ tác động ngược từ việc xử lí không tốt những vỏ bao, chai nhựa thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng… Gần đây, mô hình thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật do Sở TN-MT phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thực hiện tại HTX Thắng Lợi, huyện Tháp Mười đã phát huy hiệu quả tích cực.

Chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng được nông dân là thành viên HTX Thắng Lợi xã Mỹ Đông huyện Tháp Mười tập hợp lại và cho vào thùng rác. Thay gì những loại rác này được vứt ngoài đồng ruộng, kênh rạch…gây ô nhiễm môi trường và rất khó phân hủy như trước đây. Có được kết quả đó là nhờ hiệu quả của mô hình thu gom rác bảo vệ thực vật mà Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường tổ chức triển khai thực hiện thí điểm tại huyện Tháp Mười và Tam Nông.

rac_thai_delu.jpg
Rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật được phân loại mang đi tiêu hủy

Ông Nguyễn Phước Thanh thành viên Hợp tác xã Thắng Lợi chia sẻ: “Mới tham gia thì cũng rất khó khăn, do thói quen. Nên khi xịt thuốc xong thỉnh thoảng mình cũng quên đem vỏ chai, vỏ bịt thuốc vô. Nhưng sau này quen rồi thì xịt xong mình thu gom lại và bỏ vào hố ngay đầu đất. Thấy mấy anh em khác quên mình cũng nhắc, từ đó đến nay tạo thành thói quen cho anh em”.

Mục tiêu của mô hình là vận động nông dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng và tạo thói quen tốt trong canh tác, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, đất…do vỏ chai, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật để lại. Nông dân chỉ với việc thu gom các vỏ bao chai lọ đã qua sử dụng và cho vào thùng rác đã được trang bị trên bờ ruộng. Định kì hàng tháng Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang sẽ đến thu gom và chở đi tiêu hủy đảm bảo quy trình.

Ông Nguyễn Văn Mai ngụ xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười cũng là thành viên HTX Thắng Lợi bộc bạch: “Trước đây mình mướn người ta xịt xong rồi người ta bỏ vô bọc nhưng khi vỏ bao mục thì lại văng vãi khắp nơi. Bây giờ có hố này xịt xong mình kêu người ta gom lại dùm, xách bỏ vô cái hố. Mình làm một số bà con ở ngoài thấy cái mô hình này người ta cũng ý thức cũng thấy vậy đảm bảo vệ sinh".

Tham gia mô hình này, Hợp tác xã được trang bị 30 thùng rác bằng vật liệu kiên cố, có nắp đậy, đảm bảo chống thấm nước. Những thùng rác này sẽ được đặt rải đều trên các cánh đồng để nông dân dễ dàng bỏ rác vào thùng.

Theo Ông Huỳnh Trung Phượng – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Tháp cho biết mục tiêu chính là làm sao nâng cao được nhận thức của bà con nông dân trong canh tác lúa. 

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp 4 đúng và sử dụng an toàn cho sức khỏe bản thân và môi trường xung quanh: “Dự kiến trong thời gian tới sẽ phối hợp với địa phương tiếp tục duy trì những mô hình sẵn có, hiện có và cũng nhân rộng mô hình này ở một số địa phương khác như là mô hình cánh đồng mẫu lớn, như là các HTX để nâng cao nhận thức cho bà con nông dân về sử dụng thuốc, đặc biệt là thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng để bỏ vào nơi quy định để xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.

Được biết, ngoài Đồng Tháp thì chương trình cùng nông dân Bảo vệ môi trường do Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang phát động và hỗ trợ còn được thực hiện ở 22 tỉnh thành với 2 nội dung cơ bản. Đó là công nghệ sinh thái và thu gom rác thải bảo vệ thực vật. Trong đó, Đồng Tháp được chương trình đặc biệt quan tâm vì là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn của khu vực và cả nước. 

Mục tiêu trọng tâm mà chương trình hướng đến là các Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua hoạt động của Hợp tác xã. Từ đó tạo chuyển biến trong nhận thức của bà con đồng thời hướng đến một nền nông nghiệp xanh.

Ông Lê Quốc Cường - Phó Giám đốc Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam chia sẻ: "Phần thu gom rác thải, vỏ bao bì BVTV sau khi sử dụng xong chúng ta gom về hố, sau đó đoàn chúng tôi sẽ đến vận chuyển rác này về nơi xử lý theo đúng quy định của Bộ TN-MT. Qua đánh giá thu gom rác BVTV ở các tỉnh thì chúng tôi đánh giá bà con rất nhiệt tình hưởng ứng”.

Có thể nói với việc triển khai thí điểm mô hình thu gom rác thải bảo vệ thực vật, gần 1 năm qua trên các cánh đồng tại Hợp tác xã được triển khai thí điểm đã có sự thay đổi rõ nét, nhất là về môi trường. 

Điểm đáng ghi nhận là xung quanh đồng ruộng đã không còn vỏ chai, bao nhựa thuốc bảo vệ thực vật tràn lan như trước đây. Người nông dân nơi đây đã bắt đầu thấy được những tín hiệu bước đầu về hiệu quả của mô hình mà trong đó ý thức bảo vệ môi trường sống được nâng lên rõ rệt./.