Chiều nay (13/8), tại trụ sở UBND tỉnh Phú Thọ, ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì buổi họp cung cấp thông tin về sự việc liên quan đến việc hàng chục bệnh nhân ở huyện Tân Sơn, Phú Thọ nghi nhiễm HIV.

Liên quan đến thông tin về số lượng mới phát hiện trên địa bàn xã Kim Thượng được dư luận cả nước quan tâm, ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trước tình hình này, với trách nhiệm của chính quyền địa phương, tỉnh giao cho ngành y tế tổng hợp lại. Chiều nay (13/8), UBND tỉnh triệu tập cuộc họp để nghe ngành y tế báo cáo để đánh giá tình hình và tập trung chỉ đạo, với mục tiêu cao nhất là ổn đinh, đảm bảo sức khỏe, tinh thần cho người dân nói chung, nhất là những người không may nhiễm HIV tại xã Kim Thượng.

vov_ong_san_da_sua_flga.jpg
Ông Hà Kế San- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì buổi họp.

Được biết, từ năm 2017 đến đầu năm 2018, ngành y tế Phú Thọ qua điều trị cho các bệnh nhân ở khoa Nhiệt đới (Bệnh viện đa khoa Phú Thọ), trong đó đã có những bệnh nhân bị chết vì nhiễm HIV. Từ trước đến nay, đã có 5 người ở xã Kim Thượng chết vì bệnh AIDS. Trước tình hình như vậy, ngành y tế tiến hành tập trung từng bước thận trọng thông qua các xét nghiệm, làm test nhanh, truy vấn mang về trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh để xét nghiệm. Theo thống kê, hiện đã có 42 trường hợp nhiễm HIV chính thức được phát hiện mới tại xã Kim Thượng. Đây là tỷ lệ khá cao ở địa bàn xã.

Theo ông Hà Kế San, câu chuyện này không phải mới phát hiện mà đã có thời gian tích lũy trước đó. Đối với Kim Thượng, đây là xã miền núi khó khăn, với 97% là đồng bào dân tộc, trong đó có 85% đồng bào dân tộc Mường, địa bàn khó khăn, địa hình chia cắt, trình độ dân trí thấp.

Ông Hà Kế San cho rằng, chưa khẳng định được nguyên nhân nào là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc phát hiện tỷ lệ cao nhiễm HIV ở xã Kim Thượng. “Đến giờ này, các chuyên gia chưa thể khẳng định được nguyên nhân. Vì vậy, hôm nay chúng tôi chính thức thống nhất với Bộ Y tế cử đoàn chuyên gia của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương giúp nghiên cứu đánh giá về sự việc này”- ông Hà Kế San cho biết.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long- Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS.

Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí, ông Hà Kế San cũng cho biết, điều quan trọng nhất lúc này là tư vấn, giúp đỡ một cách tốt nhất về mặt tâm lý cho những người không may bị nhiễm HIV. Đây là việc làm quan trọng nhất. Bởi khi bất cứ ai khi có thông báo kết quả như này sẽ đều sốc, hoang mang. Quan điểm của Bộ, UBND tỉnh là phải làm tốt tư vấn, trong đó phải nói với người dân là nhiễm HIV bây giờ có thuốc chữa. Nếu tuân thủ thuốc nhà nước cấp ARV thì người đó sống mạnh khỏe trọn đời, đặc biệt khi cơ thể thích ứng có thể sống bình thường; thuốc này điều trị không mất tiền và uống tại nhà 3 tháng.

Ông Hà Kế San cũng cho biết, qua sự việc này, cần làm tốt hơn về công tác truyền thông trong việc phòng chống HIV/AIDS cho những vùng khó khăn của Phú Thọ. Bởi nhiều vùng miền núi, đồng bào tiếp cận thông tin rất hạn chế. “Chúng tôi giao huyện Tân Sơn cùng với hệ thống chính trị nắm bắt tình hình, tuyên truyền giải thích để người dân bình tĩnh, không để xảy ra vấn đề mất an ninh trật tự”- ông San cho biết.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến tỷ lệ người nhiễm HIV khá cao ở xã Kim Thượng, với 42 người nhiễm, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết, hiện chưa thể xác định được là 42 người này là nhiễm trong thời gian gần đây hay là 1 con số tích lũy nhiều nâm. Theo ông Long, đây là con số tích lũy.

“Thực tế, trong số những người mới phát hiện đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Thông thường, từ khi bị nhiễm cho đến khi chúng ta có thể phát hiện được bằng xét nghiệm là mất khoảng 3 tháng. Nhưng từ khi đó đến khi chuyển sang giai đoạn AIDS là từ 5-7 năm”- PGS Nguyễn Hoàng Long cho biết.

Ông Lê Quang Thọ- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ.

Trước thông tin về việc nguồn lây nhiễm HIV ở xã Kim Thượng có thể xuất phát tại cơ sở y tế của gia đình y sĩ Th., PGS.TS Nguyễn Hoàng Long cho biết: Lây nhiễm HIV có rất nhiều nguồn, qua các đường lây khác nhau như đường máu, tiêm chích, dùng chung  bơm kim tiêm, qua đường tình dục không an toàn… Tuy nhiên, qua số liệu hiện nay, bằng tất cả thông tin hiện có, chúng tôi chưa có đủ thông tin để kết luận hoặc định hướng về bất cứ một nguồn lây nào.

Video: PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS trả lời tại cuộc họp.

Liên quan đến việc y sĩ Th.- người trực tiếp khám, tiêm cho các bệnh nhân nghi nhiễm HIV ở xã Kim Thượng có được cấp chứng chỉ hành nghề? Ông Lê Quang Thọ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết: Kim Thượng là xã đi lại khó khăn, dân ở thưa thớt, khó tiếp cận cơ sở y tế nên có thể việc khám chữa bệnh của y sĩ này là xuất phát từ tình cảm. Bản thân y sĩ này chưa được cấp phép hành nghề y tế tư nhân nên ở gia đình y sĩ này không phải là cơ sở khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính.

“Hiện tại vẫn rất khó để xác định được nguyên nhân sự việc. Chúng tôi cũng đã đưa ra các giả thiết có thể có các trường hợp cố tình che giấu các hành vi nguy cơ, hoặc trong lúc phát hiện mắc bệnh bị rối loạn tâm lý nên việc hồi tưởng không chính xác... vì vậy phải có điều tra cụ thể mới có thể khách quan được”- ông Lê Quang Thọ cho biết./.