- Sụt lún trên đường Lê Văn Lương: chưa tìm được nguyên nhân
- Hình ảnh "bịt miệng" hố tử thần trên đường Lê Văn Lương kéo dài
- Hà Nội: Lấp xong “hố tử thần” phải mất 15 ngày
Ghi nhận của phóng viên, đường tránh mới làm đi vòng qua 'hố tử thần" để vào khu đô thị Nam Cường rồi cắt ra đường Lê Văn Lương kéo dài. Trên đường tránh, dải phân cách cứng được đặt để chia làn đường.
Theo đại diện Tập đoàn Nam Cường, trong ngày 24/8, đơn vị này đã hoàn thành thi công đường tránh tạm thời rộng 12m đồng thời triển khai việc sơn kẻ, lắp đặt biển báo giao thông để có thể thông xe vào sáng ngày 25/8. Tuyến đường tránh tạm này chỉ phục vụ cho ôtô con, xe tải dưới 10 tấn và phương tiện thô sơ. Các phương tiện lưu thông qua khu vực thi công không quá 15km/h.
Tuy nhiên, việc làm đường tạm để thông đường trục phía Bắc Hà Đông cũng nảy sinh vấn đề gây mất an toàn giao thông. Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội nhận định, tuyến đường tạm có 2 làn lại là điểm cua gấp, không có đèn chiếu sáng, nên vào buổi tối rất dễ xảy ra tai nạn giao thông đối với các phương tiện lưu thông qua đường tránh này.
Đề cập đến việc khắc phục “hố tử thần”, theo đại diện Công ty Cổ phần Sông Đà-Thăng Long, đến thời điểm này đã thu dọn được khoảng 80% khối lượng cống, bùn đất từ hố móng.
Tuy nhiên, để việc hoàn trả mặt đường sớm hoàn thành, đại diện Công ty Cổ phần Sông Đà-Thăng Long đề nghị, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) sớm có giải pháp xử lý kỹ thuật vị trí sụt lún để công ty lên kế hoạch chuẩn bị vật tư khắc phục “hố tử thần”.Trước kiến nghị của Công ty Cổ phần Sông Đà-Thăng Long, đại diện TEDI cho biết, chậm nhất vào ngày 27/8 sẽ có giải pháp kỹ thuật để khắc phục hoàn trả nguyên trạng vị trí tuyến đường. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, trên cơ sở nghiên cứu của TEDI, Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long tiếp tục khắc phục sự cố để hoàn trả công trình. Ngoài ra, Tập đoàn Nam Cường cần khống chế cao độ mực nước hồ điều hòa và kiểm tra hệ thống thoát nước bảo đảm thoát nước cho khu vực đồng thời rà soát, kiểm tra toàn tuyến đường nhằm bảo đảm an toàn giao thông.Để có cơ sở kết luận chính xác nguyên nhân sự cố, ông Hùng cũng yêu cầu, Ban Quản lý Dự án giao thông 2 phối hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ giao thông (trường Đại học Giao thông Vận tải) thực hiện khảo sát, đánh giá.Ông Nguyễn Văn Nhậm, bộ môn cầu - hầm (khoa công trình Đại học Giao thông Vận tải, đơn vị tư vấn trường Đại học Giao thông Vận tải), cơ quan được giao nhiệm vụ tìm nguyên nhân gây ra sự cố cho biết, nguyên nhân sơ bộ gây ra sự cố sụt lún đường được xác định do mưa lớn cộng với việc cọc thép tại khu vực xảy ra sụt lún đã bị nhổ, đất bị sụt gây vỡ đường ống cấp, thoát nước, khiến toàn bộ nước trong ống chảy ra ngoài tạo thành hố sâu.“Vấn đề phải xác định xem nguyên nhân đường sụt làm cống vỡ hay cống vỡ làm đường sụt. Bởi nếu cống không bị vỡ thì nước không chảy ra ngoài gây sụt lún đường. Do đó, cần xác định chính xác 2 nguyên nhân này mới có hướng khắc phục,” ông Nhậm bày tỏ quan điểm. Cũng theo ông Nhậm, khó nhất hiện nay là cống đã vỡ hoàn toàn nên không xác định được hiện trạng để đưa ra kết luận cụ thể về nguyên nhân dẫn đến sụt lún.“Hiện đơn vị tư vấn đang mời những chuyên gia đầu ngành về cầu đường và địa chất cùng tham gia đánh giá các mẫu đất được lấy từ điểm lún sụt và một số vị trí khác của tuyến đường để phân tích, từ đó đưa ra những kết luận cuối cùng. Dự kiến, ngày 29/8 sẽ có kết quả xét nghiệm mẫu đất, từ đó sẽ xác định được nguyên nhân,” ông Nhậm tiết lộ./.