- Khảo sát xây dựng VOV giao thông tại khu vực ĐBSCL
- “Những chiến binh chống tắc đường” phát sóng trên Discovery
- Khởi động cùng “Đường trường không cô đơn”
Tôi tò mò về anh qua lời ca ngợi của một vài đồng nghiệp, họ nói anh là một trong những người góp phần tạo nên “hồn cốt” của VOV giao thông - một kênh phát thanh đang tạo “sóng” trong lòng thính giả.
Tôi gặp anh cũng bởi một lí do cá nhân hơn, vì tôi mê những câu chuyện trong “Bạn hãy nói với chúng tôi” hàng đêm trên VOV do anh phụ trách vài năm trước, và bị cuốn hút bởi các bài bình luận sắc sảo, gai góc trong mục “Góc nhìn Đường Tin” bây giờ, với bút danh Lão Phạm… Đó là Nhà báo Phạm Trung Tuyến – Trưởng phòng VOV Giao thông Quốc gia – Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV).
Tương tác: xu hướng của báo chí hiện đại
** Bắt đầu từ câu tuyên ngôn của anh một dạo: Tôi thích đi, nhìn ngó và viết. Thế thôi. Tôi thấy anh dạo này ít lang thang quá?
Thành thật là khi chuyển sang làm kênh VOV giao thông, tôi có bớt lang thang đi viết phóng sự, bút kí bởi đặc thù công việc và thời gian. Công việc bây giờ bận rộn hơn, nhiều lúc cũng muốn “chạy nhảy” nhưng không được..
Hiện tại, công việc của tôi là chuẩn bị nội dung cho dự án kênh VOV giao thông quốc gia chuẩn bị phát sóng. Ðây là một “bước sóng dài” trong hệ thống Kênh VOV giao thông nên có khá nhiều việc phải làm.
** Có vẻ anh thích hợp với việc đặt nền móng…
Không phải luôn như thế. Nền móng của kênh phát thanh này là công trình khoa học, một đề án của nhà báo Vũ Minh Tuấn – Giám đốc kênh VOV giao thông- và tôi là một trong những người góp phần triển khai nó. Kênh phát thanh đặc biệt này sẽ liên tục cập nhật trực tiếp các bản tin giao thông nóng hổi trên suốt tuyến đường 1 thông qua hệ thống camera được khảo sát, lắp đặt tại gần 2.000 điểm dọc chiều dài đất nước. VOV giao thông quốc gia sẽ là một kênh phát thanh tương tác đầu tiên ở Việt Nam phát sóng trực tiếp 24/24h.** Anh vừa nhắc đến sự tương tác. Tôi quan tâm đến điều này. Có phải đó là yếu tố quan trọng làm nên độ ‘hot” của VOV giao thông như hôm nay?
Có thể cho là vậy. Tôi nghĩ tương tác là xu hướng quan trọng đối với báo chí hiện đại, thậm chí nó tạo nên một sức sống cho tất cả các loại hình báo chí. Dưới góc nhìn của tôi, nó là một yêu cầu đối với báo chí hiện nay. Các đối tượng thụ hưởng thông tin, không còn chấp nhận sự áp đặt nữa. Họ cần nhiều hơn thế.
Với VOV giao thông, ngay từ đầu chúng tôi đã xác định, tương tác phải là yếu tố quyết định tạo nên sự hấp dẫn của kênh. Và nhìn một cách thực tế, thính giả đón nhận chúng tôi bởi họ nhìn thấy được bản thân mình ở đó, thấy được những cảm xúc thực của chính mình khi đồng hành với chúng tôi.
VOV giao thông xác định là một kênh thông tin văn hóa giải trí, chỉ dẫn giao thông, phục vụ người tham gia giao thông. Và thú vị là những người chỉ dẫn chính là những thính giả, những người trực tiếp tham gia giao thông, trực tiếp có mặt tại hiện trường. Chính họ làm nên sự phong phú cho kênh. Thính giả đến với thính giả và chúng tôi là cầu nối của họ.
** Có một giai đoạn, thính giả dường như không mấy mặn mà với VOV, nhiều người lo ngại nó sẽ bị đánh bật bởi truyền hình, báo điện tử…Ðến bây giờ người nghe đang quay lại với các chương trình trên sóng. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
Thính giả luôn có lý. Thực tế các chương trình phát thanh truyền thống của chúng ta lâu nay có thể đầu tư rất kĩ về nội dung nhưng yếu tố tương tác không được chú trọng, chúng ta tự tạo ra rào cản giữa nguồn tin với đối tượng thụ hưởng. Việc đưa thông tin thuần túy khách quan là một sự tất yếu thôi nhưng thông tin cần được mở rộng, được gia tăng giá trị. Cách nhanh nhất vẫn là sự tương tác với thính giả. Phải gọi là đã có lúc Phát thanh rơi vào giai đoạn thoái trào, đó là giai đoạn quá độ tất yếu trong quá trình phát triển. May mắn là chúng tôi đã vượt qua giai đoạn ấy.
Chị có nhắc tới việc đã có lúc tưởng như phát thanh bị đánh bật vì sự cạnh tranh của truyền hình, báo điện tử. Tôi không nghĩ như vậy, mỗi loại hình báo chí có những sắc thái riêng. Và tôi không nghĩ đến sự cạnh tranh giữa các loại hình này. Tôi nghĩ rằng không riêng phát thanh, tất cả các loại hình báo chí hiện nay đều đang phải cạnh tranh với mạng xã hội, với Facebook, Twister đang là những thế lực truyền thông thực sự trên internet.
Chúng ta đang kéo mình xuống thấp
** Trong cuộc “đụng độ” này, báo chí có nhiều lợi thế, thưa nhà báo?
Tất nhiên, lạc quan mà nói, chúng ta có rất nhiều thế mạnh mà quan trọng nhất là nguồn tin được đảm bảo, được kiểm chứng, và sự khách quan. Nhưng các mạng xã hội có sự hấp dẫn bởi tính tương tác rất cao và đó là một thách thức đối với làng báo hôm nay. Thông tin dù không được kiểm chứng nhưng không bị vướng bận vào những rào cản truyền thống của báo chí, thông tin có cá tính… điều đó khiến những người đã tham gia nhanh chóng hình thành thói quen vào Facebook, blog hàng ngày. Mà điều đó không chỉ ở Việt Nam, nước ngoài rất phát triển hệ thống này.
Ở Nhật Bản, các chính trị gia sử dụng Twister như một phương tiện quan trọng để PR bản thân, và các cơ quan chức năng coi nó là một hệ thống truyền thông cộng đồng hiệu quả với tính năng chia sẻ tin ngắn rất hấp dẫn. Những thông tin công cộng như dự báo động đất cũng luôn được họ cập nhật trên Twister. Vì thế, tôi nghĩ rằng người làm báo buộc phải nghĩ đến việc cạnh tranh và nâng cao bản thân mình trước làn sóng mới mang tên “mạng xã hội”. Nhưng tiếc là chúng ta đang kéo mình xuống thấp, tự làm mình yếu đi trong cuộc cạnh tranh này.
** Chúng ta đang kéo mình xuống thấp, tôi không hiểu?
Thì bạn thấy đấy. Báo chí của chúng ta ngày càng nhiều những thông tin giật gân, thậm chí cố tình gây hiểu lầm để câu lượng người xem. Vốn dĩ sự khác biệt quan trọng nhất của báo chí và mạng xã hội chính là trách nhiệm của nhà báo. Chúng ta chinh phục công chúng vì chúng ta có được sự đáng tin cậy trong việc đưa tin nhưng những tin tức “chộp giật”, thiếu trách nhiệm thậm chí vô nghĩa trên báo chí đang làm giảm đi sự tôn trọng của công chúng với nhiều tờ báo. Ðiều đó cho thấy chúng ta đang tự kéo mình xuống ngang tầm các trang mạng xã hội, trong khi lại kém hấp dẫn hơn.
Khi có sự tương tác, giá trị thông tin sẽ gia tăng!
** Vậy chúng ta phải làm gì trong cuộc chiến chưa có hồi kết này?
Tôi thích sự liên kết, tạo nên một mạng lưới kết dính và thúc đẩy lẫn nhau trong làng báo. Mỗi loại hình báo chí có sắc thái riêng, đều có những điểm mạnh điểm yếu nhưng quan trọng là có chung mục đích, cung cấp thông tin cho công chúng một cách tốt nhất. Sự tương tác giữa các loại hình báo chí mang đến cho người đọc, người nghe những sản phẩm thông tin phong phú hơn, nhiều cách thức tiếp cận thông tin hơn. Khi các loại hình báo chí có sự tương tác với nhau, giá trị thông tin sẽ được gia tăng.
** Và đó là mục đích của chương trình Ðường tin trên VOV giao thông?
Vâng, hiện nay VOV giao thông có một chương trình “Ðường tin” đang được thính giả đặc biệt quan tâm. Thực ra đó là một chuỗi chương trình tương tác thông tin. Là sản phẩm từ sự hợp tác giữa VOV giao thông và các tòa soạn báo, giữa những người làm báo ớ các cơ quan báo chí khác nhau, giữa thính giả và độc giả. Chương trình này do chính thính giả của chúng tôi đề xuất, gợi ý.
** Một chương trình ra đời từ ý tưởng của thính giả, các anh hơi bị “chiều” khán giả đấy?
Ðúng vậy, ý tưởng của chúng tôi luôn hình thành từ mong muốn của thính giả. “Ðường tin” là một chương trình như thế. Bạn có thể tưởng tượng một buổi sáng đi làm, họ mất rất nhiều thời gian đi đường, khi đến văn phòng với một tập báo đợi trên bàn. Bạn giở tất cả những tờ báo đó và gặp những thông tin giống nhau, và cảm thấy lãng phí thời gian. Và “đường tin” là con đường đưa thính giả tìm đến thông tin mình cần nhanh nhất. Chúng tôi chọn cho họ các tờ báo đáng đọc nhất đối với mỗi người, nơi có thông tin sâu và đầy đủ nhất.
Buổi sáng điểm các tờ báo hay, những bài đáng đọc, đáng quan tâm trên một số báo.
Buổi chiều sẽ cung cấp thông tin dân sinh đáng chú ý với những cuộc phỏng vấn chuyên sâu hơn về thông tin đó.
Buổi đêm ngoài việc điểm lại tin tức trong ngày, chúng tôi sẽ phỏng vấn một thư kí tòa soạn của một tờ báo để đưa ra những nhận định về xu hướng tin tức của ngày hôm sau, điểm những tin tức đáng chú ý nhất sẽ xuất hiện ngày hôm sau.
Ngoài ra, chúng tôi còn dành một thời lượng nhỏ cho mục “Góc nhìn”. Ðó là bài bình luận xung quanh một tin tức đáng suy nghĩ nhất trong ngày. Cái thời đi, nhìn ngó là khoảng thời gian của tích lũy, học hỏi, đủ để khi ngồi bên bàn biên tập, tôi có thể đặt bút và viết mà không có cảm giác xa vắng với cuộc đời.
** Tôi thấy chuyên mục nhỏ đó thể hiện rõ “bản ngã” của người cầm bút?
Thực ra, nếu xét về góc độ đưa tin, đó là điều không hay. Nhưng tôi không phải người đưa tin. Với thể loại bình luận, tôi nghĩ cần phải có một phong cách riêng, cái nhìn thẳng thắn và cá tính trước những vấn đề của xã hội. Trong một thế giới ngập tràn thông tin, người đọc dễ lạc lối. Chúng tôi mong muốn tiết kiệm thời gian của thính giả và cũng khuyến khích họ đưa ra quan điểm, góc nhìn riêng của mình. “Góc nhìn” là con đường để khuyến khích thính giả thể hiện trách nhiệm công dân của mình. Ðó là cách mà chúng tôi nắm tay, hợp tác với thính giả của mình.
** Vâng xin cảm ơn anh!./