Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP), Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành tuyến cao tốc này.
Tuy nhiên, tuyến cao tốc này vẫn đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu và biến động giá vật liệu. Nếu không kịp thời tháo gỡ các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu thì cao tốc Bắc-Nam sẽ đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ.
Mặc dù đã có tới 2 Nghị quyết được ban hành và nhiều chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhưng quá trình cấp phép mỏ vật liệu cho dự án cao tốc Bắc – Nam vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc. Có hay không tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Cao tốc Bắc – Nam nếu không sớm được "gỡ" vướng về cấp mỏ vật liệu để lấy đất đắp nền sẽ lại bị chậm tiến độ.
Vì sao “gỡ” mà vẫn “vướng”?
Ngày 16/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP Về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020. Nhiều vướng mắc về cơ chế cơ bản được tháo gỡ, kỳ vọng là “chìa khóa” giải quyết nút thắt về vật liệu phục vụ thi công dự án.
Song song với các Nghị quyết, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã có nhiều buổi làm việc và chỉ đạo quyết liệt với các địa phương và cơ quan có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc cung cấp vật liệu. Cùng với chỉ đạo từ Chính phủ, các Bộ GTVT, Bộ TN&MT cũng đã có nhiều chỉ đạo nhằm tháo gỡ những khó khăn cho dự án, nhất là việc thiếu VLXD để thi công. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện thủ tục ở các địa phương vẫn đang rất chồng chéo, quy trình phức tạp.
Theo quy định của Luật Khoáng sản, để cấp phép khai thác VLXDTT đối với các mỏ cấp phép mới cần rất nhiều thủ tục bao gồm Cấp phép thăm dò; phê duyệt trữ lượng; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập và phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; thiết kế mỏ; cấp quyền khai thác; thuê đất…Việc hoàn thành đầy đủ quy trình mất rất nhiều thời gian, nhiều thủ tục phức tạp trong khi nhu cầu thi công đang rất cấp bách.
Tại dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo, đại diện Doanh nghiệp dự án cho biết hiện nay dự án sẵn sàng nhân lực và vật lực nhưng vẫn chưa thể đẩy mạnh thi công do nguồn cung vật liệu xây dựng đang rất khan hiếm. Để xin được giấy phép khai thác, tỉnh phải lấy ý kiến các Bộ, Ngành sau đó trình xin ý kiến của Hội đồng nhân dân (HĐND).
Tuy nhiên, thông thường mỗi năm HĐND chỉ họp 2 lần, nếu theo đúng quy trình, dự kiến sẽ mất 1 năm mới hoàn tất việc cấp phép. Điều này sẽ dẫn tới việc chậm trễ tiến độ trong khi dự án phải hoàn thành vào quý 3/2024.
Đẩy nhanh cấp phép khai thác khoáng sản xây dựng cao tốc Bắc-Nam
Kết luận Hội nghị trực tuyến về tình hình thực hiện dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ: Chính phủ đã ban hành hai nghị quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục cấp phép khai thác vật liệu xây dựng thông thường sử dụng cho dự án, đã cơ bản tháo gỡ được khó khăn về vật liệu đất đắp nền đường (hiện chỉ còn thiếu khoảng 10 triệu m3 vật liệu đất đắp nền đường).
Tuy nhiên, dự án vẫn còn một số vấn đề tồn tại như: một số dự án thành phần còn thiếu bãi đổ vật liệu phế thải, thiếu hụt về nguồn cung vật liệu đất đắp nền đường, còn chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Để giải quyết các tồn tại nêu trên, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Về công tác cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án, các địa phương (Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai) tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án theo Nghị quyết số 60/NQ-CP và Nghị quyết số 133/NQ-CP của Chính phủ.
Các nhà thầu/nhà đầu tư thi công phải chủ động phối hợp với địa phương thực hiện các thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản nêu trên. Tiến độ xử lý các vướng mắc về nguồn vật liệu yêu cầu hoàn thành trước ngày 15/1/2022.
Về công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chính quyền các địa phương chỉ đạo các bên liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế và thực hiện công tác di dời các trụ điện cao thế trước ngày 15/01/2022.
Đối với các vị trí cục bộ còn tồn tại về công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương (Nghệ An, Thừa Thiên-Huế và Đồng Nai) tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khối lượng còn lại công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 15/1/2022.
Về tiến độ thi công các dự án thành phần, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, các Ban Quản lý dự án chỉ đạo các Nhà thầu tổ chức thi công 3 ca/ngày đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra (đặc biệt là các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2022), khuyến khích các nhà thầu hoàn thành công trình trước tiến độ yêu cầu.
Đối với việc triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, rút kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các bộ, ngành liên quan để triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 trong công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị vật liệu cho dự án.
Ngay sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, phải lựa chọn các nhà thầu lớn, có đủ năng lực thi công; phải đổi mới về công nghệ thực hiện, trang thiết bị thi công để rút ngắn thời gian thi công công trình ngay từ khi lập hồ sơ mời thầu.
Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương cần “xắn tay áo”, quyết liệt khắc phục những khó khăn, vướng mắc của cao tốc Bắc-Nam để dự án về đích đúng tiến độ./.
Phó Thủ tướng yêu cầu hoàn thành 1.800km cao tốc Bắc-Nam vào năm 2025
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của bộ GTVT vào sáng 25/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Bộ GTVT đạt được trong năm vừa qua. Đồng thời yêu cầu Bộ GTVT phải xây dựng được “đường găng” bảo đảm tất cả 12 dự án thành phần còn lại (dài 729km) của giai đoạn 2 dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông phải được khởi công.
Chỉ đạo định hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng kết thúc năm 2021, trải qua gần 20 năm, nước ta có khoảng 1.200km đường cao tốc đã được hoàn thành; còn 1.800km đường cao tốc hoàn thành để đạt được mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có 3.000km đường cao tốc là thách thức lớn. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận diện và triển khai sớm các phương án đầu tư để chủ động chuẩn bị nguồn lực, đảm bảo tính khả thi.
“Bộ Giao thông Vận tải phải coi việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm 2022. Dự án đã được đưa vào Nghị quyết, tiền cũng đã bố trí đủ thì phải quyết tâm có sản phẩm” Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải phải xây dựng được “đường găng” bảo đảm cuối năm 2022, tất cả 12 dự án thành phần còn lại (dài 729km) của giai đoạn 2 dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông phải được khởi công để có thể khánh thành, đưa vào khai thác năm 2024-2025.
“Nếu không có thay đổi lớn, quyết tâm lớn sẽ không hoàn thành được dù có tiền, nên Bộ Giao thông Vận tải cần có giải pháp cụ thể. Vướng gì trình Chính phủ, Quốc hội để thông suốt toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam theo đúng Nghị quyết đã đề ra” Phó Thủ tướng cho hay.