Bản tin cập nhật thị trường lao động do Bộ LĐ-TB-XH và Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy: Trong quý 3/2015, có 225,5 nghìn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp (chiếm 20,0%, tăng 26,1 nghìn người).
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho rằng: “Càng học lên cao thất nghiệp càng nhiều, nên nói chúng ta vẫn trọng bằng cấp cũng không sai. Điều này cần được cảnh báo”.
Theo bản báo cáo này, có 645,1 nghìn người thất nghiệp không có CMKT (chiếm 57,2%, giảm 24 nghìn người so với quý 2/2015); 8,9 nghìn người có chứng chỉ nghề dưới 3 tháng (chiếm 0,8%); 33,6 nghìn người có trình độ sơ cấp nghề (chiếm 3%); 23 nghìn người có trình độ trung cấp nghề (chiếm 2%); 60,2 nghìn người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp (chiếm 5,3%); 15,1 nghìn người có trình độ cao đẳng nghề (chiếm 1,3%). Đặc biệt, có tới 117,3 nghìn người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp (chiếm 10,4%, tăng 24,1 nghìn người so với quý 2/2015) và 225,5 nghìn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp (chiếm 20,0%, tăng 26,1 nghìn người).
Cũng trong Quý 3/2015, cả nước có 53,17 triệu người có việc làm, tăng 637,56 nghìn người so với quý 2/2015; trong đó khu vực thành thị có 16,22 triệu người (chiếm 30,5%), tăng 493,70 nghìn người; khu vực nông thôn có 36,95 triệu người (chiếm 69,5%), tăng 133,86 nghìn người; việc làm của nữ là 25,73 triệu người (chiếm 48,4%), tăng 210,33 nghìn người; của nam là 27,44 triệu người (chiếm 51,6%), tăng 427,23 nghìn người so với quý 2/2015.
So với quý 2/2015, các ngành có số lao động tăng nhiều nhất là: “công nghiệp chế biến, chế tạo” (tăng 881 nghìn người); tiếp theo là “xây dựng” (tăng 408 nghìn người); “bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác” (tăng 50 nghìn người); “sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí” (tăng 42 nghìn người); “khai khoáng” (tăng 38 nghìn người).
Các ngành giảm lao động nhiều nhất là: “nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản” (NLTS) (giảm 861 nghìn người), “nghệ thuật vui chơi giải trí” (giảm 20 nghìn người), “hoạt động kinh doanh bất động sản” (giảm 17 nghìn người).
Cơ cấu lao động theo nhóm ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng lao động nhóm ngành NLTS giảm mạnh còn 42,54% (quý 2/2015 là 44,70%); nhóm ngành dịch vụ giảm còn 33,00% (quý 2/2015 là 33,17%); nhóm ngành công nghiệp và xây dựng (CN-XD) tăng nhanh, đạt 24,46% (quý 2/2015 là 22,13%).
Thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp: Có làm được việc đâu mà than phiền
Tỷ trọng lao động làm công hưởng lương trong tổng việc làm tiếp tục tăng, đạt 40,42% (quý 2/2015 là 38,81%). Tỷ trọng lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương đều giảm nhẹ, góp phần giảm tình trạng dễ bị tổn thương của lao động (từ 58,32% quý 2/2015 còn 56,81% quý 3/2015).
Quý 3/2015 có 10,78 triệu người đang làm việc có chuyên môn kỹ thuật (CMKT), chiếm 20,28% (quý 2/2015 là 20,1%), tăng gần 190,5 nghìn người. Trong đó, lao động có CMKT nhóm ngành CN-XD tăng 173,3 nghìn người; nhóm ngành dịch vụ tăng 134,1 nghìn người; nhóm ngành NLTS giảm gần 117 nghìn người, cho thấy khu vực này tiếp tục bất lợi về chất lượng lao động./.