Một ngày trước ngày khai giảng năm học 2019-2020, khi trời đã tối, trong trận mưa nặng hạt kéo dài, những thầy giáo cô giáo trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Kroong lên đường đi tìm học sinh.
Thầy giáo thức thâu đêm đưa học sinh đến lớp. |
Điểm đến của các thầy cô là những khu “nhà đầm”, dựng tạm ở các nương rẫy sâu trong núi, có điểm cách trường hơn 20km và phải mất nhiều giờ đồng hồ mới có thể đến nơi.
Thầy giáo Đinh Hải, có 5 năm dạy ở đây cho biết, đầu năm học nào cũng vậy, những bước chân đi tìm học trò của các thầy cô giáo ở đây, lại đạp trên những con đường rừng trơn trượt, lội qua những dòng suối chảy xiết và đêm lạnh mùa mưa.
“Ở những làng có điều kiện kinh tế khó khăn, sâu xa thì chúng tôi phải lựa ban đêm đi vào các nhà đầm gặp các em, vận động các em ra lớp. Điều kiện kinh tế của các em thì nhiều gia đình rất khó khăn một số phụ huynh nhận thức về vấn đề học tập còn rất yếu. Vì thế dù trời mưa gió nhưng các thầy cô phải đến các nhà đầm để mà vận động các em ra lớp, chứ đi ban ngày thì các em làm hay đi rừng, đi làm rất khó gặp được các em. Cho nên chúng tôi chỉ có thể đi vào ban đêm để gặp các em”, thầy Hải nói.
Thầy giáo băng rừng lội suối tìm học sinh. |
Thời điểm đầu năm học mới là giai đoạn khó khăn nhất của Trường bán trú Kroong cũng như các trường ở các xã vùng sâu khác. Sau những tháng hè, hầu hết các em học sinh đã quen với nương rẫy nên quên ngày tựu trường. Thế nên, mỗi đêm, thầy cô giáo phải tìm đến tận nhà hoặc nương rẫy để vận động, đưa các em đến với con chữ. Chứng kiến sự tận tình, hết mình của các thầy cô giáo, các em học sinh đã cũng cảm nhận được tình cảm ấm áp ấy để cố gắng học tập.
Em Đinh Thị Chăng, học sinh lớp 9, Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Cơ Sở Kroong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, nói: “Thầy cô cũng rất là lo lắng cho chúng em, tạo điều kiện cho chúng em rất là nhiều, cả trong sinh hoạt, ăn uống, chỗ ở và nơi học. Em sẽ cố gắng học thật tốt, chăm chỉ, không bỏ học, đi học thường xuyên”.Thầy Nguyễn Việt Quốc, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Cơ Sở Kroong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cho biết, là mô hình trường bán trú song thực tế trường đã duy trì hình thức nội trú từ nhiều năm nay. Vào mỗi đầu năm học, việc vận động các em đến lớp được nhà trường quán triệt đến từng giáo viên và thực hiện một cách quyết liệt.
Thức thâu đêm, băng rừng, lội suối đã trở nên quen thuộc với các thầy cô nơi đây. Dù khó khăn đến mấy, các thầy cô giáo và cả lãnh đạo nhà trường cũng phải đến tận nơi để đưa học sinh đến lớp. Bởi chỉ có vậy mới có thể duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục. Và khi các em đến trường, đến lớp rồi thì nhà trường lại phải tìm nhiều cách, nhiều phương pháp sinh động để các em ở lại trường học tập.
“Nhà trường đã bám sát các địa bàn thôn làng, nắm chắc tình hình học sinh, qua đó, vận động đưa con em tới lớp. Một khó khăn ở đây là khi đã đưa được con em tới lớp rồi thì phải làm thế nào để giữ các em ở lại học tập. Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp tạo ra sân chơi bổ ích để các em vui chơi, học tập", thầy Quốc cho hay.
Tình thầy trò đang viết nên câu chuyện cảm động ở vùng sâu Kroong. |
Cùng với các chính sách ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa thì với sự nhiệt huyết, với tấm lòng hết mình vì học sinh, các thầy cô giáo ở xã vùng sâu Kroong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đang viết nên câu chuyện cảm động về tình thầy trò vào đầu năm học mới.
Sự quan tâm, chăm sóc của các thầy cô nơi đây vừa giúp con trẻ của đồng bào địa phương lớn lên trong hạnh phúc, an lành, chăm ngoan học giỏi, vừa giúp bà con ở xã vùng sâu yên tâm lao động sản xuất./.