Hôm nay (5/9), là ngày Khai giảng năm học mới 2019-2020 - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Với ý nghĩa là một ngày hội để đón trẻ 5 tuổi vào lớp mẫu giáo, trẻ 6 tuổi ra lớp 1 và học sinh các lớp khác đến trường sau kỳ nghỉ hè dài, bắt đầu một năm học mới.

vov_1_msvq.jpg

Thế nhưng nhiều năm nay, ngày khai giảng đang dần mất đi ý nghĩa là ngày tựu trường bởi học sinh đã đi học từ trước đó. Bên cạnh đó, chương trình ngày khai giảng với các thủ tục rườm rà, hình thức đã khiến nhiều học sinh không mặn mà với ngày khai giảng.

Dù chưa đến ngày khai giảng nhưng từ giữa tháng 8, Nguyễn Khánh Vy, học sinh lớp 6 một trường thuộc quận Đống Đa đã tới trường học theo chương trình chính thức. Khánh Vy và các bạn cùng khóa rất vất vả để làm quen với các môn học ở bậc học mới.

Nhắc đến ngày khai giảng hàng năm, Khánh Vy cho biết, em không có nhiều ấn tượng với ngày khai giảng. Lý do là ở bậc tiểu học, trong tháng 8 em đã tới trường học kỹ năng sống. Gần đến ngày khai giảng thì lại phải tập trung để tập dượt cho lễ khai giảng nhiều lần. Sân trường của em nhỏ, ít cây, tập diễu hành dưới trời nóng bức, phải đứng lên vỗ tay, vẫy cờ, hoa chào đón khi các đại biểu tới dự... khiến em mệt mỏi. Khi ngày khai giảng chính thức, những hoạt động đó lặp lại cộng với phải nghe những bài phát biểu dài khiến em và nhiều bạn học chán nản.

Nguyễn Khánh Vy nói: "Mọi năm ở tiểu học thì cháu luôn phải đi trước để tập khai giảng, tập đội hình các thứ. Nhưng lên cấp 2 thì cháu không phải tập mà chủ yếu chỉ cần phải tập về lấy ghế, sắp xếp chỗ ngồi ở dưới sân trường, không bị lộn xộn, cháu thấy thì nó đỡ khổ, không bị quá nắng và mệt như mọi năm nữa. Không phải tập dượt nhiều nên cháu rất là hồi hộp xem lễ khai giảng ở cấp 2 khác gì với cấp 1".

Có thể thấy, những năm gần đây, hầu hết các trường tổ chức học trước ngày mùng 5 tháng 9, viêc học đã đi vào nề nếp, ổn định, học sinh đã làm quen với trường lớp, bạn bè... rồi mới tổ chức khai giảng đã làm giảm đi ý nghĩa và học sinh giảm đi sự hào hứng, phấn khởi.

Học sinh lớp 1 được cha mẹ và cô giáo dắt tay vào trường cũng không còn hồi hộp, bỡ ngỡ, hân hoan vì đã được tập dượt nhiều lần. Còn các học sinh lớp lớn hơn cũng chẳng mấy hào hứng vì “năm nào cũng vậy”.

Dù mấy năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo các trường tổ chức ngày khai giảng gọn nhẹ, giảm bớt thời gian phát biểu, dành nhiều thời gian hơn cho học sinh vui chơi... nhưng dường lễ khai giảng vẫn mang tính hình thức, không phải là ngày hội của các em.

Vậy học sinh muốn ngày khai giảng như thế nào? Chúng tôi đã mang câu hỏi này tới các em và câu trả lời đều là chúng em muốn được vui chơi nhiều hơn.

"Con thấy ngày khai giảng những năm trước cũng hơi nhàm chán. Nghĩa là ngày khai giảng cũng không được vui vẻ và con không được chơi nhiều. Con mong muốn ngày khai giảng năm nay sẽ có nhiều trò chơi vui hơn, có nhiều tiết mục văn nghệ hay hơn và bọn con sẽ được nhiều thời gian vui chơi hơn".

"Con thích ngày khai giảng có nhiều thời gian để con vui chơi, gặp gỡ bạn bè hơn. Có nhiều chương trình văn nghệ hơn, có những trò chơi dân gian. Con mong muốn là ngày khai giảng là ngày những học sinh được tiếp tục đến trường để học những kiến thức".

Với tinh thần lấy học sinh làm trung tâm, năm học 2019-2020, nhiều địa phương cũng chỉ đạo các trường tổ chức ngày khai giảng gọn nhẹ, tiết kiệm, tránh hình thức, phô trương, lấy học sinh làm trung tâm, trong đó chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp. Chủ trương không thả bóng bay trong ngày khai giảng để bảo vệ môi trường cũng được nhiều trường thực hiện.

Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cho biết: "Với tinh thần là tổ chức một ngày lễ khai giảng thực sự là ngày hội của học sinh, tiết kiệm, gọn nhẹ, tránh hình thức phô trương và sẽ tập trung chủ yếu vào những hoạt động cho học sinh để đón học sinh nhân dịp năm học mới đúng với tinh thần là một ngày hội và ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Phần lễ giảm đi và tránh việc đọc báo cáo dài dòng ở trong ngày đưa trẻ đến trường, không có phát biểu dài dòng và cũng chỉ tập trung vào tổ chức các hoạt động cho học sinh trong ngày khai giảng".

Ngày khai giảng là ngày thiêng liêng, đánh dấu bước khởi đầu cho năm học mới nên cần phải được duy trì và phát huy bản chất tốt đẹp của nó -là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Để ngày khai giảng thật sự ý nghĩa thì ngành Giáo dục và Đào tạo cần cắt giảm chương trình học của học sinh, không nên tổ chức cho học sinh nhập học trước ngày khai giảng. Bên cạnh đó, các trường nên tổ chức buổi khai giảng gọn nhẹ, thực chất, giảm bớt các thủ tục rườm rà, dành nhiều thời gian cho học sinh vui chơi, thực sự là ngày hội của học sinh./.