Nằm khiêm tốn trong một ngõ nhỏ trên phố Khâm Thiên, Hà Nội, từ lâu, Trung tâm dạy nghề nhân đạo và tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam đã trở thành điểm tựa cho biết bao em thơ bất hạnh. Căn nhà hơn 200 m2, dẫu còn chật hẹp so với số lượng gần 150 em đang sinh hoạt và lao động ở đây song đó là công sức mà mấy chục năm thầy Trần Duyên Hải, Giám đốc trung tâm phải vất vả, bền bỉ mới gây dựng được.

Nét mặt hiền hậu, trầm tư, thầy Hải kể lại: năm 1975, đang là giáo viên của Trường Trung cấp Thương nghiệp Hà Nội, hàng ngày đi làm qua bờ hồ Hoàn Kiếm, thấy những đứa trẻ rách rưới, đói khát, thậm chí phải đi ăn cắp, móc túi để kiếm miếng ăn, thầy không đành lòng. Vậy là, từ việc thỉnh thoảng đến trò chuyện, mua đồ ăn cho các em, thầy đã nghĩ cần phải làm gì đó giúp các em có công việc tự kiếm sống.

Nghĩ là làm, nhưng thầy không thể lường trước được khó khăn. Ngày ấy, người ta chưa biết nhiều đến các trung tâm từ thiện, nhân đạo như bây giờ. Nhiều người không hiểu nghĩ thầy lợi dụng những đứa trẻ, rồi năm lần bảy lượt bị gọi lên cơ quan công an. Khó khăn càng chồng chất vì đồng lương ít ỏi của thầy chẳng thể lo nổi khi các em đến ngày càng đông.

"Trước đây tôi giấu vợ, thỉnh thoảng lấy tiền ở nhà đi làm từ thiện. Vợ tôi nghi ngờ, thay chìa khóa tủ, tôi đành phải thú thật rằng cần tiền để mua mảnh đất làm nơi ăn chốn ở cho các cháu. Tôi nghĩ nếu không có chỗ ở ổn định thì chắc việc dìu dắt các cháu cũng khó thành công"- thầy Hải tâm sự.

Hàng nghìn trẻ mồ côi, khuyết tật đã được nuôi dưỡng, dạy nghề và tạo việc làm, chủ yếu là nghề may và tin học. Các em khi thạo nghề được giới thiệu việc làm ở nơi khác, hoặc làm tại Trung tâm với thu nhập trung bình từ 2-3 triệu đồng/tháng. Nhiều sản phẩm mà các em làm ra được xuất khẩu ra nước ngoài và được thị trường đón nhận. Không những thế, Trung tâm còn là nơi thầy Hải cưu mang và giúp đỡ những hoàn cảnh khác như phụ nữ bị bạo hành, trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục…

Đến từ những miền quê khác nhau là Hòa Bình và Quảng Bình, nhưng Đinh Thị Linh Y và Cao Thị Hiền cùng chung một suy nghĩ: “Em rất biết ơn thầy vì thầy đã tạo cho chúng em một công việc và cuộc sống như bây giờ. Từ lâu em đã coi đây như gia đình thứ 2 của mình”; “Thầy như người cha thứ 2 của chúng em. Những lúc chúng em đau ốm, thầy tận tình hỏi thăm, hỏi chúng em ăn uống như thế nào"....

Gần đây nhất, thầy không quản ngại đi bộ hàng giờ liền để vào được hang động trên vùng cao – nơi có 3 bố con sống kiểu “người rừng” mà báo chí đưa tin để thuyết phục đưa về Trung tâm sinh sống.

Thầy Hải chia sẻ: "Động lực lớn nhất có lẽ là thượng đế ban cho mình trái tim. Cho đến bây giờ là 74 tuổi, 50 năm nay tôi vẫn làm việc ở đây. Mấy năm nay, tôi mong muốn có người thay mình, để được nghỉ ngơi, hoặc đi đến các vùng sâu, vùng xa xem có hoàn cảnh nào khó khăn, tôi sẽ đưa về trung tâm để giúp đỡ".

74 tuổi, ở tuổi mà người ta nghĩ đến niềm vui tuổi già, nghỉ ngơi quây quần bên gia đình, con cháu thì vẫn ngày lại ngày, thầy giáo Trần Duyên Hải vẫn lặng thầm, tiếp tục cần mẫn với công việc chăm lo cho những đứa trẻ, những mảnh đời bất hạnh nơi đây./.