Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài hơn 265 km. Khu vực biên giới gồm 23 xã, 227 bản thuộc 4 huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ và Nậm Nhùn với 10 dân tộc anh em sinh sống.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền cùng với sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên địa bàn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động như tham mưu đối ngoại nhân dân, kết nghĩa đồn, trạm, bộ đội vui Tết đón Xuân cùng đồng bào biên giới… Qua đó nâng cao ý thức người dân, thắt chặt tình đoàn kết Quân- Dân, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn Đại tá Đào Quang Mạnh- Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu.
PV: Giữ vững đường biên, cột mốc và an ninh biên giới không thể thiếu vai trò của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Vậy công tác tuyên truyền vận động nhân dân đã được lực lượng Biên phòng Lai Châu thực hiện như thế nào trong thời gian qua, thưa Đại tá?
Đại tá Đào Quang Mạnh: Công tác tuyên truyền để nhân dân tham gia cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới được Biên phòng Lai Châu quán triệt và thực hiện tốt.
Chúng tôi sử dụng các cụm loa truyền thanh thông tin các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các hiệp định, hiệp nghị về quy chế quản lý hòa bình biên giới đến đồng bào các dân tộc, với hình thức và nội dung phù hợp với đặc thù địa bàn và nhận thức của người dân.
Theo đó, các đơn vị chuẩn bị tốt nội dung, các chính trị viên đơn vị phê duyệt nội dung đó rồi phối hợp với lực lượng văn hóa của các xã để phát bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc, để nhân dân trên địa bàn dễ hiểu rồi thực hiện.
Ngoài ra các tổ đội công tác của Bộ đội Biên phòng Lai Châu thường xuyên bám nắm địa bàn, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động trong các buổi sinh hoạt thôn bản và được quần chúng nhân dân tin tưởng.
Chúng tôi cũng thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh về công tác xây dựng phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn bản. Trong suốt thời gian vừa qua phòng trào này được duy trì tốt.
Các đơn vị tổ chức cho người dân đăng ký tự quản đường biên, cột mốc, tự quản giữ an ninh trật tự thôn bản, tạo sự lan tỏa chung và phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng. Khi có các vấn đề xảy ra trên biên giới, quần chúng nhân dân kịp thời cung cấp cho đồn Biên phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương để phối hợp báo cáo cấp trên, có chủ trương, biện pháp giải quyết. Do đó mọi việc đều được phát hiện sớm và kịp thời giải quyết.
PV: Được biết trong nhiều năm qua, Bộ đội Biên phòng đều có hỗ trợ, tổ chức đón Tết cùng đồng bào biên giới, qua đó thắt chặt tình quân- dân?
Đại tá Đào Quang Mạnh: Nhiều năm nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo và hỗ trợ các đồn Biên phòng một khoản kinh phí nhất định để cán bộ chiến sĩ và nhân dân biên giới vui Tết đón Xuân. Ngoài ra các đơn vị trên cơ sở quỹ vốn từ nguồn tăng gia sản xuất hỗ trợ thêm để luân phiên mỗi năm lựa chọn một bản để vui Tết cùng đồng bào. Đại diện Cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con dân bản, cán bộ chiến sĩ cùng tham dự.
Cùng với đó, các đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát các hộ trên địa bàn để có sự phối hợp đề xuất hỗ trợ; trích một phần quỹ vốn của đơn vị để thăm hỏi các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách.
Thông qua các hoạt động như thế bà con thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, từ đó phấn khởi, tin tưởng và thấy được trách nhiệm của mình trong giữ gìn an ninh biên giới.
PV: Để giữ vững chủ quyền, an ninh trật tự vùng biên, công tác phối với các đơn vị đứng chân trên địa bàn được Bộ đội Biên phòng Lai Châu thực hiện như thế nào, thưa Đại tá?
Đại tá Đào Quang Mạnh: Chúng tôi có quy chế phối hợp cụ thể. Ở tỉnh có quy chế giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Bộ Chỉ huy quân sự, công an. Ở các đồn có quy chế phối hợp giữa các đồn và Ban chỉ huy quân sự, công an huyện.
Việc thực hiện quy chế có sự thống nhất trong giải quyết các vấn đề liên quan an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Trên cơ sở quy chế, các đơn vị có sự tham mưu với cấp ủy, chính quyền giải quyết các vấn đề trên địa bàn, không có sự chồng chéo mà có sự hỗ trợ với nhau.
PV: Công tác đối ngoại có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị. Bộ đội Biên phòng Lai Châu triển khai công tác này như thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ này?
Đại tá Đào Quang Mạnh: Công tác đối ngoại là một nhiệm vụ quan trọng của lực lượng biên phòng. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã có chỉ đạo đối với các đơn vị làm tốt công tác này, cũng như tham mưu cho địa phương thực hiện công tác đối ngoại nhân dân.
Các đồn Biên phòng có ký kết đồn, trạm hữu nghị. Năm 2014 chúng tôi tổ chức kết nghĩa với 3 đơn vị bảo vệ biên giới của Trung Quốc. Ngoài ra lực lượng hai bên thường xuyên có hội đàm để trao đổi công việc. Năm 2014 tổ chức được 9 lần tuần tra song phương giữa các đồn biên phòng Việt Nam với lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc.
Qua công tác này tạo mối quan hệ hữu nghị, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa lực lượng bảo vệ biên giới của ta và bạn.
Chúng tôi cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyền truyền tới quần chúng nhân dân hai bên biên giới, tổ chức kết nghĩa cụm bản dân cư, để nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị.
PV: Xin cảm ơn Đại tá!./.