Tổng kiểm tra xăng trên toàn quốc

Ngày 11/1, ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ KH-CN) thông báo, ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm, Bộ KH-CN đã yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa miền Nam lấy mẫu xăng tại một số cây xăng mà các xe bồn vận chuyển để kiểm tra. Kết quả sẽ được cục thông báo vào hôm nay (12/1).

Theo chỉ đạo của Bộ KH- CN, trong sáng 12/1, Sở KH- CN TP HCM tổ chức thanh tra đồng loạt chất lượng xăng dầu tại các cây xăng, địa điểm pha chế được nêu trên Báo Thanh Niên.

xang-dau.jpg

chuyến xe bị rút ruột

Theo ông Tuấn, đáng tiếc là Chi cục Quản lý chất lượng, sản phẩm hàng hóa miền Nam không lấy được mẫu chất lỏng tại các điểm pha chế vì các đối tượng đã kịp thời tẩu tán. Những mẫu xăng lấy được từ các cây xăng đã bị pha loãng nên việc phân tích, kiểm tra sẽ khó khăn.

>>Chúng tôi "điểm mặt" một số xe thường xuyên ra vào "làm bùa" tại các bãi đáp: xe 57K-8275 của Công ty CP cơ khí xăng dầu (trực thuộc Petrolimex), các xe trực thuộc Petrolimex: 57K-7617, 57H-2316, 57E-02490, 57M-0456; xe 57K-4212, 57K-9343 của Công ty TNHH TM-DV vận tải hàng hóa Hiếu Phương. Danh sách một số cây xăng liên tục nhận xăng dỏm: Petrolimex Bạch Đằng (469 Bạch Đằng, P.2, Q.Bình Thạnh), Petrolimex gần Đại học Nông Lâm (QL1A, Q.Thủ Đức), Petrolimex Sông La (114/7A khu phố Chiêu Liêu, P.Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương), Petrolimex Tân Bình (cụm công nghiệp Tân Bình, P.Tân Bình, Dĩ An, Bình Dương), PetroVietnam (Petec) Bình Chiểu (818 tỉnh lộ 43, khu phố 3, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức).

Liên quan đến các vụ cháy nổ xe trong thời gian gần đây, Chánh thanh tra Bộ KH-CN Trần Minh Dũng cho biết, Bộ KH-CN đã chỉ đạo tổng kiểm tra xăng trên toàn quốc. Theo đó, sẽ lấy 3.000 mẫu xăng nhằm tìm “tung tích” xăng kém chất lượng. Kết quả sẽ báo cáo Thủ tướng vào trước Tết Nguyên đán 2012.

Do hành vi gian lận xăng dầu thời gian gần đây có những tình tiết mới, diễn biến phức tạp, chủ yếu kém về chất lượng, Bộ KH-CN quyết định năm 2012 sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai hoạt động kiểm tra chuyên đề chất lượng sản phẩm hàng hóa xăng dầu - mặt hàng cần kiểm soát có khả năng gây mất an toàn. Trong quý 1, Bộ KH-CN sẽ tổ chức tập huấn cho thanh tra các địa phương. Dự kiến, đợt thanh tra toàn quốc sẽ triển khai trong quý 2/2012.

Sáng 11/1, PV Thanh Niên đã tiếp tục làm việc với cơ quan phía Nam - Bộ Công an để cung cấp thêm các hồ sơ, chứng cứ, video clip liên quan đến toàn bộ quy trình pha chế xăng dỏm, dầu bẩn tại hàng loạt cơ sở “lậu” ở khu vực Q.7, nhằm hỗ trợ cơ quan chức năng trong công tác điều tra, xử lý.

Lãnh đạo các Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ KH-CN đều chỉ đạo phải làm rõ và quyết liệt đối với thực trạng “rút ruột” và pha chế xăng dầu bẩn được đề cập trong loạt bài điều tra của Thanh Niên.

Cần dẹp các bãi đáp phi pháp

Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy, khu vực đường Huỳnh Tấn Phát - Hoàng Quốc Việt - Đào Trí (Q.7) có hàng chục "điểm pha chế" xăng, dầu bẩn không tên. Trong đó, chỉ riêng đường Huỳnh Tấn Phát có hơn chục điểm, đường Hoàng Quốc Việt có 2 điểm, đường Đào Trí nhộn nhịp nhất với khoảng chục bãi đáp quy mô lớn.

Sau khi báo đăng, các bãi đáp này đã tạm thời ngưng hoạt động, song vẫn rất cần sự "mạnh tay" của các cơ quan chức năng để thực trạng này không tái diễn thời gian tới, nhằm loại trừ hiểm họa cho người sử dụng xăng dầu. Đó cũng là mong muốn mà người dân gửi gắm đến các cơ quan chức năng thông qua Báo Thanh Niên trong những ngày vừa qua./.

Nghi vấn xăng xe pha xăng máy bay rút trộm

Trong quá trình thực hiện loạt bài điều tra, PV Thanh Niên ghi nhận được phản ánh của người trong giới kinh doanh xăng dầu về tình trạng tài xế “rút ruột” xe bồn chở xăng máy bay (Avgas).

Theo một cán bộ từng làm chỉ huy kho xăng dầu trong sân bay, trước đây việc vận chuyển xăng cho máy bay thông qua 2 đường ống (một cho quân sự và một cho dân sự) vừa an toàn vừa có chi phí thấp. Nhưng về sau, đường ống bị hỏng mà không được sửa chữa nên phải dùng xe bồn chuyên chở. Cách vận chuyển này nếu kiểm soát lơi lỏng, tài xế rất dễ “rút ruột” xăng để bán hưởng lợi.

Dù giá nhập khẩu cao hơn các loại xăng khác, nhưng do tính chất đặc biệt chỉ có thể dùng cho máy bay (không thể dùng cho máy móc khác, thậm chí cũng không thể đem đốt lò), nên sau khi rút trộm xăng máy bay, tài xế thường bán lại cho các đầu nậu với giá rất bèo. Hiện nay, có nghi vấn tình trạng pha trộn xăng A92, A95 với xăng máy bay để hưởng chênh lệch giá. Điều này là cực kỳ nguy hiểm. Bởi tính chất xăng máy bay là tạo nhiệt lớn, giữ nhiệt lâu, dễ phụt hơn xăng xe. Nếu pha với tỷ lệ lớn, ban đầu xe khó khởi động, nhưng khi chạy trong thời gian dài thì rất "bốc", động cơ rất nóng, thậm chí cả khi đã tắt máy động cơ vẫn còn nổ. Điều này tương đối khớp với một số trường hợp đã dừng xe, tắt máy nhưng khi quay ra thấy xe bị bốc cháy như vừa qua.

Đáng lưu ý, xăng máy bay có chỉ số octan cao, các chỉ tiêu của xăng cũng đảm bảo, nên khi pha với xăng xe, thậm chí còn làm tăng chỉ số octan. Do đó, nếu cứ suy nghĩ mặc định rằng xăng gây cháy nổ xe phải là xăng kém chất lượng thì cũng không chắc chắn với trường hợp pha xăng máy bay và có thể làm lệch hướng điều tra nguyên nhân gây cháy, nổ xe thời gian qua.