Trước sự gia tăng nhanh chóng các ca bệnh do virus Zika gây ra, chiều 3/11, Ủy ban Nhân dân thành phố đã tổ chức họp khẩn và thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh Zika.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, 21 ca dương tính là kết quả trong số 921 mẫu nghi ngờ lấy máu xét nghiệm tính từ khi thực hiện hệ thống giám sát vào tháng 2/2016 đến nay. Đặc biệt, trong tuần này đã lấy 56 mẫu, hiện chưa có kết quả, nhưng theo dự đoán của các chuyên gia, trong số này có thể có thêm 9 trường hợp dương tính với Zika. 

vov_zika1_mzuy.jpg
 Thành phố Hồ Chí Minh họp khẩn vì dịch Zika. 

Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng nhận định, bệnh do virus Zika gây ra có khả năng lưu hành tại thành phố Hồ Chí Minh, nguy cơ lan lây nhanh trên địa bàn. Vì các ca dương tính với Zika không có tiền sử đi về từ vùng dịch.

Thực tế hiện nay, khi các tổ công tác, các đoàn làm việc của ngành y tế thực hiện giám sát vệ sinh môi trường, phun xịt muỗi. Trong quá trình giám sát cho thấy, ý thức của người dân cùng với ngành y tế, phối hợp với địa phương để diệt lăng quăng vẫn còn hạn chế, nhiều địa điểm, gia đình vẫn còn nhiều ổ lăng quăng, ổ rác.

Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang là mùa dịch sốt xuất huyết, với số ca tích lũy hơn 15.270 ca, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2015. Trước hình hình này, ngành y tế tiếp tục triển khai thêm 16 điểm giám sát tại các bệnh viện tư nhân. Đặc biệt là sẽ xử lý ngay những ca nghi ngờ lấy mẫu xét nghiệm và thông tin đến địa phương đến xử lý kịp thời các biện pháp dịch tễ, mà không cần chờ 1 tuần có kết quả dương tính. Mục đích là để hạn chế sự lây lan.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho rằng, hiện nay nhiều đơn vị chưa chú trọng công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng trên địa bàn. Công tác kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của chính quyền quận, huyện tại các phường, xã về tăng cường tổng vệ sinh còn yếu, kém, chưa được quyết liệt.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các quận, huyện cần giao trách nhiệm cho chủ tịch xã, phường nắm kỹ các địa điểm vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, có nước đọng tù, báo cáo thường xuyên để thực hiện các biện pháp kịp thời. Các ngành, các địa phương cùng phối hợp phòng chống, không chỉ để trở thành dịch. 

Một bệnh nhân được lấy mẫu máu để kiểm tra. 

Tại cuộc họp, PGS.TS. Nguyễn Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pauster cho rằng, trong 3 tuần liên tiếp gần đây, mỗi tuần xét nghiệm cho thấy có 5 ca dương tính với Zika. Vì vậy, mục tiêu quan trọng nhất để hạn chế lây lan Zika đó là kiểm soát được muỗi vằn, giảm được tối đa muỗi thì các ca sẽ không gia tăng.

Ông Nguyễn Trọng Lân nói: “Bây giờ phải có một đợt ra quân, thành lập các đội để xác định các điểm nguy cơ có dịch bệnh, vẽ bản đồ của các điểm nguy cơ đấy. Sau khi xác định xong, các điểm nguy cơ đó phải được diệt lăng quăng 2 lần. Nếu diệt được lăng quăng tại các điểm nguy cơ đấy, chúng ta sẽ bớt đi số lượng lớn muỗi mang mầm bệnh”./.