Năm 2017, tỉnh Thanh Hóa xếp thứ 28 trong 63 tỉnh, thành phố đạt được điểm số chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là năm mà tỉnh Thanh Hóa đạt điểm cao nhất từ trước đến nay.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020 xếp hạng PCI trong top 6 cả nước, tỉnh Thanh Hóa đề ra các biện pháp thực hiện khẩu hiệu 4 tăng là tăng sự hài lòng; tăng ứng dụng công nghệ thông tin; tăng trách nhiệm và minh bạch; 2 giảm là giảm chi phí và giảm thời gian; 3 không là không phiền hà sách nhiễu, không bổ sung hồ sơ quá 1 lần và không trễ hẹn.

can_bo_yigd.jpg
Thanh Hóa sẽ loại những cán bộ "biến chất" ra khỏi bộ máy hành chính (ảnh minh họa/báo Giao thông)

Trong 3 năm qua, hai nhân viên của Công ty Taxi Mai Linh Thanh Hóa là Lê Văn Quân, Phạm Thúy Liễu thường xuyên làm thủ tục đăng ký giám sát hành trình. Thực hiện được công việc này, hai nhân viên phải thực hiện nhiều bước thủ tục tại các cơ quan chức năng và tốn nhiều thời gian, thế nhưng từ khi Trung tâm hành chính công tỉnh Thanh Hóa ra đời thì công việc này được thực hiện nhanh gọn hơn.

Đến đây xin cấp phù hiệu xe tải. Về thái độ phục vụ và thời gian làm việc ở đây rất tốt lịch hẹn cũng rất đúng giờ. Thời gian giải quyết đúng theo quy định của nhà nước”, một nhân viên chia sẻ

Một nhân viên khác nói: “Mình lên nộp hồ sơ và xong trả kết quả nhưng mà lên đây chung một đầu mối và kiểm tra được mọi thủ tục đầy đủ hơn, khi hồ sơ đạt yêu cầu thì bên trung tâm nhận và xử lý luôn, trước đây kiểm tra xử lý hơi trễ một chút”.

Nhanh gọn, đúng hẹn, chính xác và công khai minh bạch là những điểm nhấn đáng chú ý trong việc giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh Thanh Hóa sau gần 1 năm đi vào hoạt động. Tại Trung tâm này có 34 bàn giao dịch của 15 sở, ban, ngành để tiếp nhận hồ sơ; có các bàn hướng dẫn, thu phí, lệ phí và trả kết quả thủ tục hành chính trực tiếp và gián tiếp qua bưu điện. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, hiện đại, thống nhất trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm kết nối việc quản lý hồ sơ từ đây về các sở, ngành và ngược lại. 

Trung tâm này còn được coi như tổ chức bộ máy hành chính thu nhỏ. Bà Lê Thị Nguyệt, chuyên viên Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho biết, mục tiêu đặt ra là giải quyết thủ tục phải nhanh chóng, đúng hẹn.    

“Cuối ngày thì chúng tôi phải nhắc nhở các phòng chuyên môn làm sao đúng hẹn. Ví dụ ngày mai có kết quả phải kiểm tra khẩn trương để làm sao công dân đến lấy kết quả được đúng hẹn không phải đợi chờ nhiều”, bà Nguyệt nói.

Theo kết quả khảo sát PCI do Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam VCCI công bố, trong 10 chỉ số đánh giá thì Thanh Hoá có 8 chỉ số thành phần tăng, có 2 chỉ số đứng trong top 10 cả nước. Tuy nhiên, mức độ cải thiện chỉ số PCI của tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, vẫn còn nhiều hạn chế và không ổn định. Trong đó, một số chỉ số thành phần quan trọng được cải thiện nhưng mức độ khiêm tốn, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Nguyên nhân của vấn đề là một bộ phận cán bộ làm công tác hành chính chưa thực sự tận tâm, còn sách nhiễu, phiền hà. Giải quyết được nút thắt này không khó nhưng cần người cán bộ làm công tác hành chính phải thực sự có tâm, có tầm, vượt qua những cám dỗ về vật chất, giải quyết công việc trên tinh thần xây dựng, vì cái chung.

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, thời gian tới, tỉnh sẽ nghiêm túc thực hiện khẩu hiệu: 4 tăng, 2 giảm, và 3 không. Trước mắt, các sở, ngành phải chú trọng xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ đủ năng lực và đồng thời quyết liệt loại bỏ cán bộ đạo đức xấu ra khỏi bộ máy hành chính.

Không làm công tác cán bộ là không tạo chuyển biến được, không cải cách hành chính được. Đối với những cán bộ liên quan nhiều đến thủ tục hành chính của các sở thì phải chọn những người có năng lực, đặc biệt là đạo đức, có cái tâm đối với doanh nghiệp, đối với công nghiệp thì mới chuyển biến được. Chứ còn có thể ông giỏi nhưng ông nghĩ rất nhiều mẹo ông hành doanh nghiệp thì chúng ta phải chuyển, chuyển ra chỗ không ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp. Nếu chúng ta muốn sở không có mang tiếng là sở phiền hà, hành doanh nghiệp thì các đồng chí phải làm ngay công tác cán bộ”, ông Nguyễn Đình Xứng nói.

Công tác cán bộ và thanh lọc đội ngũ cán bộ "biến chất" không phải việc dễ, nhất là trong lĩnh cực hành chính. Bởi đây là lĩnh vực gây phiền hà, sách nhiễu đã ăn sâu, bám rễ vào cách nghĩ cách làm của nhiều cán bộ, công chức. Thế nhưng, với việc hàng loạt cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức thoái hóa, biến chất bị xử lý thời gian cho thấy quyết tâm của UBND tỉnh Thanh Hóa trong việc làm trong sạch bộ máy hành chính công là có cơ sở./.