Hiện đang là Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV với chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại nước ta”, nghĩa là phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị liên tục bằng thuốc kháng virus (ARV) và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định.

Sau hơn 20 năm phát hiện bệnh, đến nay, người nhiễm HIV đầu tiên ở nước ta tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn sống, nhờ được tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV. Đây là một trong những minh chứng cho thấy, ARV là biện pháp điều trị hữu hiệu nhất cho bệnh nhân HIV/AIDS, góp phần làm cho tỷ lệ bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS hoặc tử vong do HIV/AIDS ở nước ta liên tục giảm trong 8 năm qua.

arv_1_yara.jpg
Chị Phạm Thị Hiền phát biểu tại hội nghị về HIV

Chị Phạm Thị Hiền, 35 tuổi, ở Bắc Ninh cho biết, chị và con trai lớn sống chung với HIV 15 năm mà sức khỏe hiện nay vẫn tương đối ổn định. Thuốc ARV giúp chị dần tìm lại cuộc sống bình thường, sau những khủng hoảng lớn trong cuộc đời với nỗi đau nhiễm HIV từ chồng, đến việc 3 trong số 6 người trong gia đình nhà chồng bị nhiễm HIV rồi qua đời. Nhờ được điều trị ARV, chị Hiền còn sinh thêm được một bé trai không nhiễm HIV.

Chị Phạm Thị Hiền tâm sự: “ARV đã giúp tôi khỏe mạnh để tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ gia đình và chăm sóc con cái. Trong quá trình làm việc với các nhóm hỗ trợ cho những người mới nhiễm HIV, chúng tôi được tiếp cận với nhiều người khi chưa được điều trị hoặc do tự kỷ thị bản thân; tiếp cận điều trị muộn thì sức khỏe yếu, cơ thể gầy, bị nhiễm trùng cơ hội nhưng sau một thời gian điều trị thì sức khỏe rất tốt”.

Đến nay, cả nước có hơn 100.000 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV. Mặc dù con số này gấp hàng trăm lần so với thời điểm đầu những năm 2000, nhưng mới chỉ chiếm 45% số người nhiễm HIV đang sống tại Việt Nam. Như vậy, tỷ lệ này còn quá xa so với mục tiêu cần đạt được 90% số người nhiễm được điều trị liên tục bằng thuốc ARV vào năm 2020. Trong khi đó, 95% lượng thuốc ARV ở nước ta đang được mua bằng nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế.

Theo Bộ Y tế, nguồn viện trợ này đang giảm nhanh; đến nay, chưa có tổ chức quốc tế nào cam kết tài trợ cho Việt Nam sau năm 2017. Trong bối cảnh này, nếu không có sự đầu tư của Nhà nước cho công tác phòng chống HIV/AIDS thì thành quả đạt được từ trước đến nay sẽ không thể bền vững. Tại một số nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia gần như toàn bộ chi phí điều trị ARV hiện nay đều do ngân sách quốc gia đảm bảo.

Cấp phát thuốc cho người nhiễm HIV (Ảnh: tiengchuong)

Bà Kristan Schoultz, Giám đốc quốc gia Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam cho rằng, lúc này là thời điểm Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác phải quyết định dồn toàn lực để kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Bà Kristan Schoultz nói: “Chúng ta chỉ có thể kết thúc được đại dịch AIDS nếu khẩn trương thúc đẩy tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ dự phòng và chăm sóc điều trị HIV để không bỏ rơi bất cứ ai lại phía sau. Chúng ta chỉ có thể kết thúc được đại dịch AIDS nếu mọi người nhiễm HIV và mọi người có nguy cơ lây nhiễm HIV đều có thể tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội, mà không sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử ngay trong gia đình và cộng đồng của mình”.

Người nhiễm HIV phải dùng thuốc ARV đến cuối đời, với kinh phí trung bình một năm khoảng 3 triệu đồng mỗi bệnh nhân. Việc chi trả chi phí điều trị ARV qua Quỹ bảo hiểm y tế đã được đặt ra khi nguồn viện trợ quốc tế không còn nữa. Tuy nhiên, đến nay, ở nước ta chỉ có khoảng 30% đến 35% số người điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS: “Vấn đề vừa nêu đang là một trong những rào cản trong việc thực hiện mục tiêu 90-90-90 ở nước ta. Về điều trị ARV, chúng ta tiếp tục tăng số lượng bệnh nhân, thực hiện điều trị theo tiêu chuẩn mới, mở rộng điều trị trong trại giam, cấp phát thuốc ARV ở tuyến xã. Muốn đạt được tỷ lệ 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV thì sẽ phải điều trị cho 217.000 người, gấp đôi so với hiện nay”.

Bên cạnh con số 55% số người nhiễm HIV chưa được điều trị ARV, Việt Nam cũng còn 22% số người nhiễm HIV chưa biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình. 25 năm qua, nước ta có hơn 20.000 người nhiễm HIV và hơn 80.000 người tử vong vì bệnh AIDS là một tổn thất lớn.

Điều này càng đòi hỏi các cơ quan chức năng và toàn xã hội tích cực hành động hơn nữa để đạt mục tiêu 90-90-90 mà Liên Hợp Quốc đề ra, tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 như đã cam kết./.