Giữa mùa khô, nhưng các con sông trong khu vực vẫn sôi sục, sạt lở như bị lũ lớn, đe dọa sản xuất nông nghiệp. Hàng triệu mét khối cát được khai thác hàng năm vẫn nằm trong vùng tối của công tác quản lý, gây thất thu cho ngân sách hàng tỷ đồng.

Đắk Lắk là tỉnh có số giấy phép khai thác cát được cấp nhiều nhất ở khu vực Tây Nguyên, với 14 doanh nghiệp, sản lượng hàng năm 1 triệu m3. Nhưng thực tế, có ít nhất 17 doanh nghiệp đang hoạt động, với gần trăm tàu hút cát hoạt động thường xuyên, lượng khai thác lớn hơn giấy phép gấp nhiều lần.

vov_moi_thu_tren_tau_cat_o__tpwr.jpg
Mọi thứ trên tàu cát ở Tây Nguyên đều không theo quy định.
Xót cảnh cát chở đi ùn ùn mà thuế chẳng thu được bao nhiêu, cơ quan thuế huyện Krông Ana lập một trạm công tác dã chiến ở xã Quỳnh Ngọc, gần điểm tập kết cát lớn nhất tỉnh, để đếm xe cát hàng ngày, làm cơ sở tính sản lượng và mức độ áp thuế. Thế nhưng các doanh nghiệp liên tục khiếu nại, cơ quan thuế đành lui quân. Vậy là từ đó, bất kể doanh nghiệp khai thác bao nhiêu, cơ quan chức năng của Đắk Lắk đều phải làm ngơ.

Ông Nguyễn Văn Thiềm, Trưởng Phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên - Môi trường Đắk Lắk, nói: “Chúng tôi rất khó để xác định khối lượng khai thác cát cụ thể. Con số này có hai cách, một là con số báo cáo của các doanh nghiệp và bản đồ hiện trạng. Theo thông tư 02/2013 của Bộ TN-MT, các doanh nghiệp phải lập bản đồ đáy sông và bờ sông. Nhưng đến nay, bản đồ bờ sông, các doanh nghiệp có thực hiện nhưng sơ sài. Bản đồ đáy sông không doanh nghiệp nào lập”.

Chuyện có quy định mà các doanh nghiệp không tuân theo và không tuân theo vẫn được hoạt động, diễn ra ở hầu khắp Tây Nguyên. Như ở tỉnh Gia Lai, suốt nhiều năm nay, không một doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác thương mại, nhưng cát vẫn được khai thác và giao dịch bình thường.

Năm 2015, nhiều mỏ cát trong tỉnh đã được bán đấu giá thành công, nhưng đến năm nay thủ tục cấp phép vẫn chưa hoàn thành, hoạt động khai thác chui, vì thế vẫn diễn ra... hợp pháp.

Ông Lương Thanh Bình – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Gia Lai, nói: “Từ khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực là việc cấp phép khai thác khoáng sản bị ngừng trệ. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh không có một mỏ cát nào được phép hoạt động theo đúng quy định của Luật. Tất cả các mỏ cát mà dân đang làm là khai thác chui”.

Còn tại Đắk Lắk, ngay cả doanh nghiệp không được cấp phép hoạt động, cũng có cả chục tàu khai thác cát, được phép khai thác chồng lấn lên vùng đã cấp phép cho doanh nghiệp khác. Hợp tác xã Đoàn Kết, huyện Krông Bông là một trường hợp như vậy.

Ông Trần Văn Công, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Trước khi UBND tỉnh cấp phép cho các doanh nghiệp, năm 2007, chúng tôi đã làm nghề khai thác cát trên sông Krông Ana được 20 năm. Chúng tôi để lỡ đợt xin cấp phép đó là vì thủ tục chuyển đổi mô hình HTX còn thiếu và tỉnh cũng nói là cấp cho doanh nghiệp khác, sau này sẽ nhượng lại cho chúng tôi một phần. Nhưng doanh nghiệp sau đó không nhượng lại và chúng tôi không thể bỏ nghề”.

Hai bên cát ở hai đầu cầu đã bị khai thác triệt để
Một mảng khác trong chuỗi hoạt động khai thác cát ở Tây Nguyên đang trong vùng tối, đó là quản lý những con tàu hút cát - chở cát hoạt động trên các dòng sông. Ông Y Poăt Tơr, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đắk Lắk cho biết, hoạt động đóng tàu, đưa tàu vào chạy trên các sông ở tỉnh, diễn ra tự do suốt nhiều năm qua, không chịu sự kiểm soát của ngành. Dù biết đây là bất cập, nhưng Sở không đề ra được biện pháp hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật.

Nếu nói về cải thiện, từ năm 2008 đến này là không có gì cải thiện cả. Năm 2015, chúng tôi có mời Cục Đăng kiểm số 5 về để làm thủ tục đăng kiểm, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động cho tàu thuyền nhưng khi về Cục đăng kiểm số 5 phát hiện các tàu đều là tự đóng, hoàn toàn không có bản vẽ, thiết kế được phê duyệt nên không thể cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật được.

Sau đó, chúng tôi đã mời Trường Cao đẳng nghề đến để xem xét và kết quả các tàu không đảm bảo an toàn, và muốn được cấp chứng chỉ an toàn phải gia cố thêm theo bản vẽ. Việc này tốn kém nên không doanh nghiệp nào thực hiện. Bây giờ, việc xử lý các tàu không phép này cũng khó, vì chúng tôi mới chỉ có thanh tra giao thông đường bộ thôi, chưa có thanh tra giao thông đường thủy.

Dù tình trạng khai thác không phép diễn ra tràn lan, các phương tiện tàu thuyền không tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường thủy, nhưng số vụ mà cảnh sát giao thông đường thủy, cảnh sát môi trường, thanh tra tài nguyên môi trường... xử lý mỗi năm lại rất thấp.

Với Đắk Lắk, dù đã thành lập được lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy với 16 chiến sĩ, phụ trách 180 km đường sông, kết quả xử lý cũng không đáng là bao, không góp phần giải quyết hiệu quả những bức bối mà các tàu cát đang tạo ra. Trung tá Nguyễn Huy Thành, Phó trưởng Phòng cảnh sát Giao thông, Công An tỉnh Đăk Lăk, cho biết: “Trong năm 2016, chúng tôi đã xử lý 247 trường hợp, xử phạt mức phạt là 130 triệu đồng, nhắc nhở 228 trường hợp.

3 tháng đầu năm nay, chúng tôi xử phạt được 9,7 triệu đồng. Những trường hợp khai thác cát trái phép, ngoài địa bàn được cấp phép của mình gây sạt lở đất của nhân dân, chúng tôi đã phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra về môi trường, nhưng chưa xử lý được trường hợp nào”.

Quy định đã có nhưng không tuân thủ, không tuân thủ vẫn được hoạt động. Sai phạm tràn lan nhưng bị xử lý rất ít... đó là những vấn đề nổi cộm trong khai thác, vận chuyển cát ở các tỉnh Tây Nguyên, khiến những hệ lụy về kinh tế-xã hội, môi trường, tiếp tục lan rộng. Rõ ràng, đang có một vùng tối trong công tác quản lý ở lĩnh vực này.

Và muốn lập lại trật tự trong khai thác - vận chuyển cát, phải đưa những vùng tối này trở về với ánh sáng, thực thi đúng các quy định của pháp luật./.