Lao động nam có thể được tăng tuổi nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Tuy nhiên, đối tượng nào được kéo dài tuổi nghỉ hưu, quy định tuổi nghỉ hưu cho các ngành nghề ra sao lại là vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội khi đề cập đến Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Nội dung này một lần nữa được các đại biểu đưa ra góp ý tại Hội thảo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Những tác động bất lợi và kiến nghị do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sáng 18/9.

ba_huong_vov_hlwx.jpg
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội phản bác lại nhiều ý kiến cho rằng, những người quản lý muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu vì họ “tham quyền cố vị”. Hay có quan điểm cho rằng, kéo dài tuổi nghỉ hưu nên ưu tiên cho công chức nhưng không giữ chức vụ.

Theo bà Lan Hương, những quan điểm trên về tuổi nghỉ hưu là không thỏa đáng. Những người nào đủ trình độ, sức khỏe, năng lực, đạo đức thì nên được kéo dài tuổi nghỉ hưu, cần thực hiện bình đẳng giữa các đối tượng chứ không phải là có hay không giữ chức vụ.

Mặc khác, trong khu vực công chức, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu nên thực hiện bình đẳng và ưu tiên với những ngành nghề như bác sĩ, giáo viên, nhà khoa học vì trình độ của họ lại tỷ lệ thuận với tuổi tác, kinh nghiệm làm việc, công tác. Kéo dài tuổi nghỉ hưu với họ là sẽ phát huy được sự cống hiến trí tuệ của các đối tượng này cho sự phát triển đất nước.

Ngoài ra, cần phân biệt tuổi nghỉ hưu của một đời người và một ngành nghề. Nếu tuổi hưu trí được quy định trong Bộ Luật Bảo hiểm xã hội là tuổi nghỉ hưu của một đời người, dựa trên các yếu tố về kinh tế, nhân khẩu, tuổi thọ của toàn xã hội. Còn trong từng ngành nghề, chúng ta phải có quy định riêng. Ví dụ diễn viên múa hát, cầu thủ bóng đã có thể quy định tuổi nghỉ hưu khác với những ngành nghề lao động khác.

Điều lưu ý là chúng ta không thể mang đặc điểm một ngành nghề nào đó ra để đề cập là lao động có ngành đó cần được kéo dài hay không kéo dài tuổi nghỉ hưu.

Đứng ở góc độ nghiên cứu luật, luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng Luật sư NH Quang và Cộng sự cho rằng, quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu là để người quản lý, lãnh đạo muốn “giữ ghế” là không đúng. Vì những người giữ vị trí lãnh đạo không nhiều so với bối cảnh thị trường lao động hiện nay.

Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng Luật sư NH Quang và Cộng sự.

Mặt khác, thời điểm áp dụng chính sách tăng tuổi nghỉ hưu không phải là thời điểm mà những người lãnh đạo đang giữ chức vụ, trọng trách vẫn đang xây dựng chính sách.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu với nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi phù hợp với xu thế của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo quyền của lao động nữ trong một số khu vực để họ có thể tiếp tục được cống hiến trí tuệ và tăng thêm nhu nhập.

Nhìn nhận từ phía doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư tại Việt Nam, bà Đào Thị Thu Huyền, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản nêu ý kiến: Theo đánh giá điều tra của khối doanh nghiệp sản xuất thì người lao động đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu mà muốn giữ nguyên như hiện tại.

Vì ở tuổi này, sức khỏe, khả năng lao động của họ đã giảm sút. Hơn nữa, đặc thù ngành nghề của Việt Nam đa số là lao động gia công sản xuất, không giống như ở nước ngoài chủ yếu là lao động trí óc văn phòng nên chúng ta cũng không thể so sánh tuổi nghỉ hưu của Việt Nam đang thấp hơn so với nước ngoài.

Có ý kiến cho rằng, đối với lao động sản xuất sẽ được lựa chọn tuổi nghỉ hưu phù hợp với sức khỏe và tính chất công việc (ảnh minh họa).

Nếu quy định như trong Dự thảo, bản thân người công nhân sẽ không thể trụ được cho đến tuổi nghỉ hưu để được hưởng lương hưu. Về phía doanh nghiệp, gần đây báo chí cũng đưa tin nhiều doanh nghiệp sa thải người lao động khi 35 tuổi vì sức khỏe không đảm bảo sản xuất được nữa.

Bà Thu Huyền nêu quan điểm, nếu theo xu hướng lao động ít hơn cho người dân như các cơ quan soạn thảo Luật đưa ra thì vấn đề đặt ra là tại sao lại phải tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động? Nếu vì để đảm bảo quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) thì cần xem xét lại. Vì rủi ro của quỹ BHXH như hiện nay là do việc quản lý quỹ chưa tốt với rất nhiều khoản chi không hợp lý dẫn tới tình trạng thiếu hụt quỹ.

Trên thực tế, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam (Người sử dụng lao động (NSDLĐ) là 17%, Người lao động (NLĐ) là 8%) cũng đã tương đối cao và cao hơn so với mặt bằng chung của các quốc gia khác (Thái Lan: NSDLĐ & NLĐ đều 5%, Nhật Bản: NSDLĐ & NLĐ đều khoảng 9%, Philppines: NSDLĐ 7.37%, NLĐ 3.63%).

 Do đó, việc cần làm là phải cân đối lại quỹ BHXH chứ không thể tăng tuổi nghỉ hưu để bù đắp cho khoản thiếu hụt được.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bảncũng kiến nghị giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như quy định hiện hành hoặc chỉ tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động văn phòng, khối hành chính sự nghiệp. Còn đối với lao động sản xuất sẽ được lựa chọn tuổi nghỉ hưu phù hợp với sức khỏe và tính chất công việc./.