Tranh luận về việc tăng tuổi nghỉ hưu đang khá sôi nổi khi tại kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đang đóng góp ý kiến cho Bộ luật Lao động sửa đổi. Ngoài nhưng băn khoăn về việc kéo dài tuổi nghỉ hưu ở một số lĩnh vực, ngành nghề được cho là không phù hợp thì điều khiến nhiều người lo ngại hơn cả là những người giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý có nằm trong diện “được” kéo dài, tăng tuổi nghỉ hưu hay không?
(Ảnh minh họa) |
Chị Nguyễn Thanh Phương- một cán bộ công chức Nhà nước bày tỏ băn khoăn: “Nếu kéo dài để làm công tác chuyên môn thì cần thiết chứ còn kéo dài thời gian làm lãnh đạo thì có vẻ không ổn, chúng tôi không đồng tình. Bởi với nhiều người đây là cơ hội để tham quyền cố vị, tranh thủ 1 ngày làm quan để thực hiện các mục đích cá nhân, lợi ích nhóm. Còn nếu để các đối tượng này xuống làm chuyên viên, làm công việc chuyên môn bình thường thì lại không phù hợp, bởi họ đã không làm công tác này quá lâu rồi. Kéo dài thời gian tại vị của người làm quản lý nhiều khi là sự bức bối cho cả một tập thể. Vậy những đối tượng này kéo dài tuổi nghỉ hưu có tác dụng gì hay chỉ thêm gánh nặng cho ngân sách, cho quỹ BHXH?. Chính vì thế các nhà xây dựng luật pháp, xây dựng chính sách cần qui định rõ, công khai, minh bạch các tiêu chí về kéo dài tuổi nghỉ hưu với những người làm quản lý”.
Đồng ý với đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên mức 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam, bởi theo đại biểu (ĐB) Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), năng suất lao động của Việt Nam còn thấp; tuổi thọ người Việt lại ngày một tăng lên, trong khi thời gian nghỉ ngơi hưởng thụ tăng lên là lãng phí nguồn lực lao động, nhất là trong khi đất nước đang tiếp tục cần sáng tạo, lao động để phát triển.
Đặc biệt, ĐB cũng cho rằng, chính sách với chế độ hưu trí còn rất thấp nên muốn cải thiện điều này thì phải tăng quỹ hưu trí lên, tăng tuổi nghỉ hưu để đóng góp cho quỹ hưu trí tăng lên, có cơ hội cải thiện mức sống của người nghỉ hưu, về lâu dài còn đảm bảo an toàn quỹ BHXH.
Đồng quan điểm, ĐB Đào Tú Hoa (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, bởi hiện nay, cả thể lực và trí tuệ của người Việt Nam ngày càng tốt lên. Rất nhiều người đã nghỉ hưu nhưng vẫn lao động và đóng góp tích cực cho xã hội.
Còn theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, từ kinh nghiệm điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của các quốc gia cho thấy, thời điểm tốt nhất thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là khi thị trường lao động đang còn thặng dư lao động (số người trong độ tuổi lao động chiếm đa số tổng dân số); kinh tế đang trên đà phát triển, có tốc độ tăng trưởng tốt; cơ cấu dân số càng trẻ thì lộ trình điều chỉnh càng dài.
“Vào thời điểm này của Việt Nam, khi chúng ta đang bước dần từ giai đoạn dân số vàng sang dân số già, việc xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đã là hơi chậm và cần có những quyết định sớm”, ông Lợi nói.
ĐB Lê Văn Sỹ (Thanh Hoá) cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 1 là lựa chọn hợp lý. Song, cần quy định kỹ về việc NLĐ (có chuyên môn, kỹ thuật cao, làm công tác quản lý) có quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 năm.
Theo đó, phải xác định nhóm ngành nghề nào thuộc chuyên môn kỹ thuật cao hoặc làm công tác quản lý; cũng như có những vị trí không cần nghỉ hưu muộn hơn 5 năm.
“Hiện một số trường ĐH, BV ký hợp đồng với các chuyên gia sau tuổi nghỉ hưu tiếp tục làm việc nhưng thôi công tác quản lý” - ĐB Sỹ dẫn chứng. Do đó, theo ĐB Sỹ, nếu không bàn kỹ, trong quá trình làm sẽ rất vướng.
Đồng tình với quy định này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong xu thế chung của thế giới cũng như sự già hoá dân số và nhu cầu đảm bảo an toàn quỹ BHXH. Đặc biệt, không phải tất cả mọi đối tượng trong khu vực công tư, trong các lĩnh vực đều tăng tuổi nghỉ hưu bình quân như nhau.
“Báo cáo thẩm tra tuổi nghỉ hưu cần nghiên cứu bình đẳng hơn, tại sao nam 62 tuổi nghỉ hưu, mà nữ chỉ 60 tuổi. Tôi cho rằng, không có nghĩa độ tuổi bằng nhau nghỉ hưu là bình đẳng, mà sự khác nhau mới bình đẳng. Bởi, do đặc thù tâm sinh lý, mỗi giới khác nhau, thì mới có sự tiến bộ, chứ không nhất thiết phải nam và nữ bằng tuổi nhau” - ông Uông Chu Lưu khẳng định.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu hoặc thực hiện chế độ chuyên gia, cố vấn…cần phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng đơn vị và trình độ của từng cá nhân. Nếu cơ quan, đơn vị không có nhu cầu, cá nhân không có khả năng, năng lực làm việc nữa thì việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng là vô nghĩa. Cùng với đó, nếu không có giải pháp đi kèm, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến bộ máy bị "già hóa" và khó có sự đột phá./.
Phương án “nữ 60 tuổi, nam 62 tuổi nghỉ hưu” liệu có thuyết phục?
Tăng tuổi nghỉ hưu nhanh dễ tạo ra cú sốc trong thị trường lao động