Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trong quá trình xem xét phê chuẩn. Tham gia TPP, Việt Nam có cơ hội hội nhập sâu rộng với quốc tế, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức to lớn, trong đó có tổ chức công đoàn. Trọng tâm yêu cầu của TPP là Việt Nam cần tôn trọng nguyên tắc tự do liên kết và đây được coi là phần khó nhất trong chương lao động của TPP.
Công đoàn đã thực sự đứng về phía người lao động?
Theo Bộ LĐTBXH, kể từ khi Bộ Luật Lao động năm 1994 được thông qua, Việt Nam đã ghi nhận hơn 5.500 cuộc đình công của người lao động. Tất cả đều là đình công tự phát, nghĩa là không có cuộc đình công nào do công đoàn tổ chức. Theo đánh giá của các chuyên gia, ở đây công nhân và công đoàn chưa tìm được tiếng nói chung, người lao động chưa thực sự gửi gắm niềm tin vào tổ chức công đoàn.
Những cuộc đình công không có sự tham gia của công đoàn (Ảnh: Lao động) |
Bà Đào Thị Thu Huyền, Văn phòng Tổng Giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam khẳng định: Chủ doanh nghiệp và người lao động chưa hiểu lẫn nhau. Có đối thoại, có thỏa ước lao động nhưng đình công vẫn liên tiếp xảy ra. Thực tế cho thấy công tác đối thoại chưa làm tốt, nếu có chỉ mang tính hình thức; có rất ít doanh nghiệp thực hiện hiệu quả việc đối thoại.
“Việc đối thoại giữa ban giám đốc công ty và người lao động có khoảng cách khá xa, cho nên không phải bất kỳ doanh nghiệp nào đều thực hiện tốt được việc này. Trong khi đối thoại phụ thuộc vào rất nhiều hệ thống nhân sự trong công ty, đại diện người lao động không thực hiện tốt vai trò của mình. Mối quan hệ lao động và đối thoại trong công ty là hết sức quan trọng để có thể tạo sự hiểu biết lẫn nhau, tạo nên sự đồng thuận; từ đó cải thiện môi trường làm việc, tăng năng suất lao động” – bà Thu Huyền nói.
Bà Đào Thị Thu Huyền khẳng định, nguyên tắc tự do liên kết như TPP đề ra là xu hướng chung toàn cầu. Khi Việt Nam gia nhập và là thành viên của TPP có nghĩa chúng ta mở rộng thêm về tự do liên kết giữa người lao động với nhau; cũng như chủ sử dụng lao động có quyền tự do liên kết theo nhu cầu phù hợp và theo tổ chức mà họ nghĩ là phù hợp hơn. Trong tương lai, cũng như các nước khác, xu hướng này sẽ được triển khai tại Việt Nam.
Công đoàn phải “xem lại mình”
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Ban tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, những cam kết về công đoàn trong TPP đặt ra thách thức rất lớn cho tổ chức và hoạt động của TLĐLĐVN.
Theo ông Sơn, nếu công đoàn hoạt động thật sự có hiệu quả, mạnh dạn đấu tranh đòi hỏi quyền lợi sát sườn cho người lao động, thì các tổ chức này ra đời sẽ gia nhập TLĐLĐVN, tạo nên sức mạnh cho tổ chức công đoàn. Ngược lại, nếu họ bảo vệ có hiệu quả hơn, thì tổ chức công đoàn hiện tại chỉ là hình thức, bị lu mờ, không có sức mạnh thực sự.
Do đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, đây là thách thức song cũng là thời cơ để tổ chức công đoàn nhìn lại hoạt động của mình xem đã hiệu quả chưa. Nếu tổ chức công đoàn không nhanh chóng đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động thì rất dễ xảy ra “dòng chảy” đoàn viên từ công đoàn Việt Nam sang tổ chức mới của người lao động.
Vì vậy, công đoàn Việt Nam phải thực sự là công đoàn của người lao động, do người lao động và vì người lao động thì mới đủ sức thu hút đối với người lao động.
Các chuyên gia tại diễn đàn Quan hệ lao động ngày 19/4 tại Hà Nội |
Thách thức của công đoàn khi vào TPP
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân thừa nhận, rất nhiều doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhưng ký xong lại không thực hiện những điều đã thỏa thuận. Vậy vai trò của tổ chức đại diện cho người lao động ở đâu? Chúng ta có tổ chức công đoàn, thậm chí hoạt động rất mạnh, tuy nhiên vai trò, chức năng của tổ chức này còn “nhiều vấn đề”.
Theo thỏa thuận khi tham gia đàm phán TPP, trong doanh nghiệp phải có thêm một tổ chức đại diện cho người lao động, hoạt động vì người lao động. Chức năng của tổ chức công đoàn và tổ chức này tương tự nhau, nhưng đây là tổ chức do người lao động thành lập nên, bầu đại diện cho họ và hoạt động độc lập.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân khẳng định, điều này trong hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có. Cho nên tới đây chúng ta cần có quy định về vấn đề này, ví dụ quyền của người lao động ở đây là gì? Nội dung, hình thức hoạt động ra sao? Bảo đảm bình đẳng trong quan hệ lao động đối với các tổ chức khác như thế nào?
Đây là những vấn đề đang được đặt ra, làm sao để các tổ chức này hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích trong quan hệ lao động, phục vụ cho người lao động; để quan hệ lao động được hài hòa, tốt đẹp hơn. Việt Nam cũng phải nghiên cứu pháp luật, xem xét các mô hình của các nước để có sự chọn lọc.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói: “Đây là thách thức của cả cơ quan quản lý nhà nước. Sau này phải tiếp nhận đăng ký, theo dõi hoạt động của tổ chức này, thậm chí phải uốn nắn những hoạt động không đúng. Mặt khác cũng là thách thức cho Liên đoàn Lao động cần phải đổi mới, nâng cao vai trò tính đại diện của người lao động. Chắc chắn trong công đoàn không mong muốn xảy ra tranh chấp, đình công. Tuy nhiên trong các trường hợp đã thương lượng, đối thoại nhưng không giải quyết được thì quyền cuối cùng của người lao động phải được tôn trọng.
Ông Phạm Minh Huân nói thêm: “Tại sao khi Chính phủ bàn về tăng lương, các cuộc đình công lại có xu hướng tăng lên? Đây là dấu hiệu của tranh chấp lao động. Điều này đặt ra vai trò ở cấp doanh nghiệp cần thêm sự điều chỉnh trong đối thoại quan hệ lao động, tổ chức công đoàn cần đổi mới để củng cố niềm tin từ người lao động”./.