Tôi không biết mình thích nghe đài từ bao giờ, chỉ biết rằng chiếc đài đã gần gũi với tôi từ những ngày tôi vẫn còn bé tẹo, những năm 90 của thế kỷ trước. Hồi đó, hàng xóm nhà tôi có một người rất hay nghe đài, hầu như lúc nào tôi cũng thấy nghe, nguyên nhân có lẽ một phần là do lúc đó phương tiện thông tin còn hiếm, cả làng chỉ có vài nhà có ti vi.
Mỗi lần đi qua ngôi nhà đó, nghe thấy tiếng đài, anh em chúng tôi lại bảo nhau rằng, “chắc bác ấy đi làm nhưng cứ bật đài lên để đề phòng kẻ gian, nếu có kẻ nào muốn đột nhập vào nhà thì sẽ từ bỏ ý định vì khi nghe thấy tiếng đài nói oang oang sẽ nghĩ ở nhà đang có người (mà chính chúng tôi cũng không biết bác ấy đang ở nhà hay đang đi làm, chỉ biết tiếng đài luôn không ngừng phát ra từ ngôi nhà ấy). Chẳng biết cái suy nghĩ ấy đúng được bao nhiêu phần trăm nhưng bây giờ nghĩ lại tôi lại thấy buồn cười với cái suy nghĩ đó.
Sau này, khi cuộc sống khá giả hơn, chiếc ti vi đã gần gũi với người dân hơn thì số lượng những người nghe đài giảm đi, những người “trung thành” với đài thường là những người có tuổi, cánh lái xe và đặc biệt là những người khuyết tật, kém may mắn trong cuộc sống và người dân ở vùng sâu vùng xa, những ngư dân bám biển ngoài hải đảo xa xôi. Ngoài bốn đối tượng chủ yếu trên thì số người thích nghe đài chắc cũng đủ mọi loại thành phần, đủ mọi lí do. Nhưng có lẽ tất cả trong họ đều có một điểm chung, đó là tình yêu với đài, họ coi đài như một người bạn lớn. Và tôi cũng nằm trong số những người như thế.
Tôi bắt đầu nghe đài nhiều hơn có lẽ vào khoảng những năm 2000, khi xuất hiện những chương trình tương tác với thính giả như “Quà tặng âm nhạc”, “Quick and Snow show” (1999), “Cửa sổ tình yêu” (1999), “Bạn hãy nói với chúng tôi” (2006)… Lí do ban đầu rất đơn giản, nghe đài vì “lười”...cụ thể ở đây là “lười đọc”. Vì nghe đài cũng nắm bắt được thông tin nhưng được phát thanh viên đọc cho, lại đỡ bị mỏi mắt như khi xem ti vi. Đài có thể nghe ở mọi nơi, vào những khi rảnh rỗi hoặc vừa nghe đài vừa có thể làm nhiều việc khác, thường là những việc lao động chân tay không cần sự tập trung cao của trí óc.
Ban đầu cũng chỉ vì lười mà nghe đài, nhưng từ cái lười ban đầu đó tôi bắt đầu phát hiện ra, càng ngày đài càng có sức hấp dẫn đặc biệt đối với tôi. Sức hấp dẫn phải kể đến đầu tiên là giọng đọc rất hay, hấp dẫn và truyền cảm của các phát thanh viên. Mỗi khi bật đài lên mà nghe thấy giọng đọc của Hà Phương, Việt Hùng, Kim Cúc, Hoàng Yến (Đọc truyện đêm khuya), Thanh Tùng (Câu lạc bộ của những người cao tuổi), Phạm Đông (Chuyện kể ở đại đội), Hà Ngân (Văn nghệ thiếu nhi)... thì vui lắm, chưa cần biết nội dung phát thanh như thế nào đã thích thú lắm rồi.
Mỗi phát thanh viên có một chất giọng và nét đặc trưng riêng. Có những bài viết được chuyển thể sang phát thanh từ tác phẩm báo viết, từ truyện ngắn..., vẫn cùng một thông tin như nhau, khi tự mình đọc thì có thể rất bình thường, nhưng khi được thể hiện bởi các “giọng đọc vàng” thì đã nâng giá trị của tác phẩm lên rất nhiều, có khi vượt xa hơn sự thành công mà tác giả mong đợi.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Văn Tùng đã đánh giá về phát thanh viên Kim Cúc thế này: "Tôi không biết năm nay chị bao nhiêu tuổi nhưng cho phép tôi gọi chị bằng cô. Cô Cúc ơi, truyện tôi tự viết ra, tôi đưa cho mọi người xung quanh đọc họ đều nhận xét truyện của tôi chả có gì đặc biệt. Khi truyện in trên báo, tôi đọc xong cũng thấy nó chả ra cái gì cả. Vậy mà ngày hôm qua, truyện này được phát trên đài qua giọng đọc của cô, mọi người hỏi tôi, ô, truyện này mới viết à? Hay thế. Tôi cảm ơn cô. Cô là người thứ hai đã giúp truyện của tôi sống lại". Đây có lẽ là một kỉ niêm đáng nhớ của NSƯT Kim Cúc, một giọng đọc quen thuộc trong chương trình “Đọc truyện đêm khuya”.
Những câu chuyện được chia sẻ trong chương trình “Bạn hãy nói với chúng tôi” cũng vậy. Tôi đã nhiều lần bắt gặp các thính giả trẻ của chương trình chia sẻ với nhau rằng họ thích được nghe chương trình trên đài hơn là đọc câu chuyện trên facebook, cũng chỉ bởi mê các giọng đọc Trung Tuyến, Minh Tâm, Thục Hiền, sau này là Việt Anh thể hiện.
Tôi nghe rất nhiều chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, dành cho trẻ em có, dành cho người già có, từ “Kể chuyện cổ tích và hát ru cho bé”, “Văn nghệ thiếu nhi”, “Phát thanh thanh niên”,...cho đến “Câu lạc bộ của những người cao tuổi”. Mặc dù cứ tự nhủ với mình rằng nghe “Kể chuyện cổ tích và hát ru cho bé” để học hỏi, để nay mai mang “vốn liếng để dành” ra ru con, nhưng quả thực cũng chẳng học hỏi được gì, kết quả là thuộc mỗi một câu “Các bé thân mến...Phải không các bé...Giọng ru của (...) sẽ đưa các bé chìm vào giấc ngủ”, mà nhiều khi “thằng bé tôi” ở tuổi 20 cũng lăn ra ngủ thật; mặc dù cứ tự nhủ với mình rằng nghe “Chuyện kể ở đại đội” để có thể học hỏi được gì đó trong cách cư xử, ứng xử trong nhiều tình huống của tình yêu, nhưng quả thực cũng chẳng học hỏi được gì, kết quả là thuộc mỗi một câu “Các đồng chí ạ”.
Lại nữa, cứ tự nhủ với mình rằng nghe “Câu lạc bộ của những người cao tuổi” để có thể chỉ cho ông bà những kiến thức hay về bệnh tuổi già, ấy thế mà cũng chẳng học hỏi được gì, kết quả là thuộc mỗi câu “Thanh Tùng kính chào các cụ, các quý thính giả…Thưa các cụ, thưa quý thính giả...Thanh Tùng xin được hầu chuyện các cụ”.
Nhắc đến con người VOV mà chỉ nhắc tới các giọng đọc vàng là một thiếu sót lớn. Có những con người tận tụy, cả đời cống hiến, là một tấm gương sáng về đạo đức nơi đây. Người tôi muốn nhắc đến là Vũ Hà – “kiện tướng” kịch truyền thanh thế giới. Hồi ấy, cái tên Vũ Hà đối với tôi là một cái tên xa lạ. Bác là một khách mời trong chương trình kịch truyền thanh dài kì "Khát vọng sống"- vở kịch đã cứu sống không ít người (104 tập, 1 tập/tuần) do biên tập viên Vĩnh Quyên dẫn chương trình ở phần tương tác với thính giả.
Ở chương trình đó, tôi nghe thấy giọng Vũ Hà hào sảng khuyên các thính giả có hoàn cảnh éo le đang theo dõi vở kịch. Nhưng tôi (và hẳn nhiều thính giả khác) đã giật mình khi nghe tin bác mất- khi mà vở kịch vẫn còn chưa phát sóng tới tập cuối cùng. Tôi thật bất ngờ, bàng hoàng và cảm thấy như mất đi một người thân của mình vậy. Cảm động hơn là bác đến Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn bằng chiếc xe đạp cà tàng trong khi đang bị bạo bệnh.
Vũ Hà thương cảm, động viên, đưa ra lời khuyên tới những thính giả có số phận éo le gửi tới Đài nhưng bác cũng có số phận éo le mà lại giấu mọi người và gia đình. Nhưng thật tiếc là thường những người sống tốt, sống chân chính lại thường là những người nghèo. Vũ Hà nghèo đấy, nghèo về vật chất nhưng lại rất giàu về tình cảm.
Một nhân vật khác cũng quen thuộc với thính giả nghe đài là “ông cụ” Mai Văn Lạng. Gọi là “ông cụ” bởi khi nghe tên Mai Văn Lạng trên đài, tôi và nhiều thính giả khác lại cứ nghĩ Mai Văn Lạng là một người cao tuổi, không ngờ “ông” trẻ thế, phải gọi là anh thôi. Khi chưa biết mặt, tôi nghĩ anh có cái trán hói của một nghệ sĩ hoặc râu tóc bạc phơ phơ như mấy vị giáo sư trường nhạc, ai ngờ Mai Văn Lạng lại trẻ thế. Anh nổi tiếng trên đài vì những bài đặt lời mới cho dân ca ở đủ mọi thể loại mà viết khỏe nhất là ở nghệ thuật chèo và nhận được nhiều sự mến mộ từ thính giả. Nhưng quả thực tôi vẫn mong anh dấn thân vào chèo sâu hơn nữa, soạn nhiều kịch bản chèo như các soạn giả tên tuổi Tào Mạt, Học Phi...
Trải qua 70 năm xây dựng và đồng hành cùng đất nước, hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan truyền thông duy nhất hội đủ 4 loại hình báo chí, phát thanh, truyền hình, báo viết và báo điện tử. Mỗi ngày, Đài phát sóng hơn 200 giờ, diện phủ sóng đạt 99,5% diện tích cả nước, vươn tới các vùng sâu vùng xa, những miền hải đảo, là bạn đồng hành của nhiều thế hệ người Việt Nam. Trong số đó có những người không thích xem ti vi mà chỉ thích nghe đài như nhà văn Tô Hoài (1920-2014) là một ví dụ. Hẳn người Việt Nam ai cũng có lần được nghe nhạc hiệu của Đài là bài hát Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi cùng với lời xướng do hai giọng đọc Hà Phương và Hoàng Yến thể hiện: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Xin chúc Tiếng nói Việt Nam sẽ ngày càng vươn xa, là bạn đồng hành của nhiều thế hệ người Việt Nam hơn nữa./.