Điều mà người dân nơi đây quan tâm hiện nay là chính quyền địa phương có những giải pháp cụ thể như thế nào để hạn chế tối đa tình trạng xuất hiện các "hố tử thần".

cho_don_vov_1_CSSN.jpg
Hố sụt lún đã rút cạn ao cá của người dân Bản Tàn, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn.

Theo kết quả công bố của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT, nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sụt lún đất tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn là do mực nước ngầm hạ thấp trên diện rộng trong thời gian dài. Dù kết luận này không khẳng định nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mực nước ngầm hạ thấp, nhưng có lẽ không khó để hiểu tình trạng này có từ việc khai thác khoáng sản trong khu vực.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, cán bộ Viện Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT khuyến cáo: Để giảm thiểu sạt sụt đất thì phải có giải pháp kỹ thuật để hạn chế hiện tượng hạ thấp mực nước ngầm trên diện rộng. Đầu tiên phải xác định được nguồn gây hạ thấp mực nước ngầm ở đâu, từ đó ta sẽ có chế tài xử lý theo đúng quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Hiện nay huyện Chợ Đồn vẫn còn khoảng 50 công trình nhà cửa, hơn 20 hố sụt lún chưa được khắc phục triệt để.

Theo ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: khu vực có hiện tượng sụt lún hiện chỉ có 2 mỏ khai thác là Nà Tùm của công ty TNHH Khai Khoáng Bắc Kạn và mỏ Nà Bốp, Pù Sáp của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn. Tuy nhiên, mỏ Nà Bốp, Pù Sáp khai thác theo phương thức hầm lò, lượng nước bơm không lớn và hoạt động ổn định từ nhiều năm qua. Còn tại khu vực mỏ Nà Tùm, hầu như mỗi khi mỏ này hoạt động thì hiện tượng sụt lún lại xảy ra do mỏ thường sử dụng nhiều máy bơm công suất lớn hút nước ở độ sâu vài chục mét. Khi UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu tạm dừng hoạt động mỏ Nà Tùm, hiện tượng sụt cũng tạm thời chấm dứt.

Ông Đinh Quang Tuyên cho biết: "UBND tỉnh sẽ tăng cường quản lý đối với các mỏ đang khai thác có bơm nước, phải có giải pháp hạn chế bơm nước ra ngoài. Thứ hai với công tác cấp phép dự án đầu tư mới hoặc thiết kế mỏ mới thì việc có phương án khả thi chống, hạn chế bơm nước ra ngoài sẽ là ưu tiên để xem xét cấp phép. Còn với mỏ khởi động lại, như mỏ Nà Tùm, chúng tôi sẽ nghiên cứu xem xét yêu cầu thay đổi lại thiết kế cho dù phương án khai thác này đã được Bộ TN&MT phê duyệt".

Tuy vậy, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cũng thừa nhận hiện địa phương chưa có nghiên cứu về giải pháp chi tiết cho từng điểm, từng khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản gây ảnh hưởng đến mức nước ngầm. Trong khi đó, với chính quyền và người dân huyện Chợ Đồn, mong muốn lớn nhất lúc này là hiện tượng sụt đất, nứt nhà phải được giải quyết dứt điểm.

Ông Triệu Huy Chung, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn nói: "Trước mắt chưa tìm được giải pháp khắc phục hiện tượng giảm nước ngầm quá lớn như vậy thì đề nghị hoạt động hút nước ngầm quy mô lớn sẽ phải tạm dừng. Thứ hai là có phương án khắc phục những ngôi nhà bị nứt và các hố sụt lún đã xảy ra trước đây, vì hiện vẫn còn khoảng 50 nhà bị nứt và hơn 20 hố sụt lún chưa được xử lý triệt để".

Moong khai thác của mỏ Nà Tùm trước khi dừng hoạt động.

Hiện tượng sụt lún xảy ra có thể không hoàn toàn là do con người mà còn phụ thuộc cả cấu trúc địa tầng. Thế nhưng để giảm thiểu các vụ sụt, lún có nguyên nhân từ con người là điều hoàn toàn khả thi nếu chính quyền và doanh nghiệp hợp tác, sớm tìm ra phương án khai thác khoáng sản tối ưu trong khu vực./.