Bình quân các tỉnh, thành phố trong cả nước đang khai thác nước ngầm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất với số lượng  gần 5 triệu m3/ngày và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao thời gian tới. Đây  là số liệu do ông Nguyễn Chí Công, Phó tổng giám đốc Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin tại hội thảo quốc tế về “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng ven biển - kinh nghiệm quản lý nước dưới đất khu vực Đông Nam Á” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ ngày 19/1.  

Theo ông Nguyễn Chí Công, Việt Nam là quốc gia sử dụng chủ yếu nguồn nước ngầm để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, trong đó, có một số địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc…, sử dụng gần như 100% nước ngầm. Do việc khai thác nước ngầm quá mức, trong khi quy hoạch các bãi giếng chưa hợp lý cũng như nguy cơ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã, đang và sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho Việt Nam như nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt, sụt lún đất, xâm nhập mặn…

nuoc_ngam_trot.jpg
Nhiều địa phương ở Việt Nam sử dụng nguồn nước ngầm để sinh hoạt hàng ngày. (Ảnh minh họa: Infonet)

Kết quả quan trắc và nghiên cứu của Trung  tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia, cho thấy ở các tỉnh/thành như TP HCM, Hải Phòng, Nam Định, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu..., mực nước ngầm đang hạ xuống mức báo động, chẳng hạn, ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nước ngầm đã hạ xuống gần 10m trong vòng một thập kỷ qua, còn tại TP HCM nước ngầm cũng đã hạ thấp gần 18m kể từ năm 1995.

Ông Nguyễn Chí Nghĩa, Trưởng ban quan trắc tài nguyên nước của Trung  tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia, cho biết việc khai thác quá mức tài nguyên nước ngầm sẽ dẫn đến chất lượng nguồn nước suy giảm, nhất là ở khu vực ven biển đang có dấu hiệu bị suy thoái nghiêm trọng do nhiễm bẩn và mặn, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và đời sống của người dân.

Về giải pháp khai nước và  sử dụng ngồn nước có hiệu quả, ông Nguyễn Chí Nghĩa  định rằng việc khai thác nước là cần thiết, nhưng cần phải có kiểm soát.

“Kiểm soát ở đây  không chỉ đến từ mặt quản lý Nhà nước của  Bộ TN-MT mà còn quản lý Nhà nước của các tỉnh, thành phố, cũng như là cái ý thức của các  đối tượng, của các hộ khai thác nước. Thí vụ như nhà máy nước  hoặc là  các hộ khai thác nước đơn lẻ. Chúng ta phải  có hiểu biết  và chúng ta phải chấp hành quy định. Mực mước hạ thấp  chúng ta không được phép khai thác quá  mực đó thì sẽ đảm bảo chúng ta phát huy được nguồn này cũng như là duy trì được nguồn nước cho các thế hệ tiếp theo,” ông Nghĩa nhấn mạnh./.