Bùng phát sử dụng chất cấm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) dường như đã thể hiện sự kiên quyết với thịt lợn “bẩn”, khi mới đây công bố kết quả đợt thanh tra chuyên ngành giữa Thanh tra Bộ phối hợp với Cục Cảnh sát C46 Bộ Công an về tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Kết quả đợt xác minh cho thấy, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tiếp tục gia tăng ở các tỉnh, thành trên cả nước.
Báo cáo 6 tháng đầu năm của Chi cục thú y TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong 227 mẫu nước tiểu gia súc của 55 hộ giết mổ đã phát hiện 31 mẫu dương tính với hoạt chất cấm, sử dụng trong chăn nuôi là salbutamol từ l80 - 1.300ppb. Trong các trường hợp phát hiện, có 4 trường hợp có nguồn gốc xuất xứ Đồng Nai, 2 ở Tiền Giang, 1 ở Long An.
Một bác sỹ thú y đang lấy nước tiểu lợn để xét nghiệm (Ảnh minh họa/Tuổi trẻ) |
Điều đáng nói, các cơ quan chức năng phát hiện một số “ông lớn” trong ngành chăn nuôi cũng liên quan tới chất cấm là Công ty Anco (Đồng Nai) và Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Theo đó, một số thương lái, trang trại là đối tác của công ty này đã thực hiện việc nuôi lợn bằng chất cấm trước khi xuất bán, làm ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của công ty.
Qua buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NNPTNT, đại diện phía Công ty Anco đã nhận ra những thiếu sót trong quá trình xuất bán và giám sát sau xuất bán lợn. Về phần mình, Công ty CP khẳng định không có chủ trương sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Một số trường hợp nuôi gia công sử dụng chất, công ty kiên quyết cắt hợp đồng với các trang trại gia công vi phạm. Tại buổi làm việc với đòan công tác, Công ty CP cũng thừa nhận sai sót do không quản lý chặt chẽ các trang trại gia công nên mới xảy ra trường hợp sử dụng chất cấm ở trang trại gia công thời gian qua.
Lý giải về tình trạng sử dụng chất cấm tràn lan, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục chăn nuôi, Bộ NNPTNT cho biết, do áp lực về giá heo, giá lợn cao, vào khoảng 45.000 – 47.000 đồng/kg, thậm chí trên 50.000 đồng/kg khiến nhiều người chăn nuôi hám lợi. Bên cạnh đó là tình trạng thương lái muốn ép người chăn nuôi nhỏ lẻ dùng chất cấm để lợn đạt tỷ lệ nạc cao, hấp dẫn về thực phẩm. Thêm một nguyên nhân nữa, đó là sau một thời gian dịu đi thì một số địa phương xao nhãng trong công tác kiểm tra, kiểm soát.
Bức xúc trước tình trạng sử dụng chất cấm tràn lan, ông Nguyễn Xuân Dương lập luận, nếu dùng ma túy thì ai dùng người ấy chịu, còn dùng chất cấm thì tất cả những người ăn phải thực phẩm ấy bị ảnh hưởng. Bởi vậy, theo ông Dương, các cơ quan báo chí cần thiết vào cuộc để tuyên truyền để người dân tẩy chay; phát giác và tố giác đơn vị, cá nhân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Bên cạnh đó, ông Dương cũng mong muốn công tác tuyên truyền làm sao để người chăn nuôi chân chính phải phát giác, tố giác những người chăn nuôi đã làm ăn không lương thiện, thu lời bất chính để cho những người tiêu dùng có thể là những người trong cả dòng tộc của mình, trong quê hương của mình, trong đồng loại của mình phải ăn thứ đó.
Cũng theo ông Dương, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp, cũng cần thiết phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là lực lượng công an và vai trò của các địa phương.
Về vấn đề xử lý các đơn vị, cá nhân vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, theo ông Dương, đến nay cũng chỉ dừng ở mức xử lý hành chính. Lý giải về vấn đề này, ông Dương cho rằng, để xử lý hình sự theo quy định rất khó, bởi không đánh giá được việc sử dụng đó “gây hậu quả nghiêm trọng” do chất cấm ăn vào không chết ngay, nên Cục Chăn nuôi cũng đang kiến nghị sửa đổi Luật Hình sự để xử lý nghiêm hành vi sử dụng chất cấm.n
Trước thực trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có chiều hướng gia tăng, mới đây, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có chỉ thị, đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nguy ngại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng, uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam; thông tin kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính của các đối tượng vi phạm…
Về việc kiểm tra ở địa phương, Bộ trưởng yêu cầu: Tại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi cần lưu ý các cơ sở gia công thức ăn chăn nuôi, phối trộn các loại premix, thuốc thú y, thức ăn bổ sung. Tại các cơ sở, trang trại chăn nuôi cần kiểm tra thức ăn chăn nuôi, nhất là nước tiểu vật nuôi ở giai đoạn vỗ béo, xuất bán đối với lợn thịt và bò thịt./.