Vấn đề tồn dư chất tạo nạc họ Beta- Agonists trong thức ăn chăn nuôi đang là vấn đề xã hội được dư luận trong thời gian gần đây. Việc phát hiện, xử lý các hành vi này như thế nào đang được các nhà chuyên môn, nhà quản lý và các doanh nghiệp đặt ra.

Tại Hội thảo “Sử dụng chất tạo nạc và an toàn thực phẩm” do Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tổ chức ngày 13/4, nhiều ý kiến cho rằng, thông tin về chất tạo nạc đang khiến cho thị trường chăn nuôi lợn lâm vào tình trạng thua lỗ, giá bán thấp, quy mô chăn nuôi giảm, tuy nhiên cũng chỉ vài tháng sau, giá thành của loại thực phẩm được ưa chuộng này sẽ đâu vào đấy do nguồn cung không đủ cầu. Và khi thịt lợn khan hiếm và người tiêu dùng sẽ tạm quên nỗi lo về chất tạo nạc để quay lại với thực phẩm này và đấy cũng chính là thời điểm chất cấm lại ào ạt quay lại sau một thời gian bị cơ quan chức năng rà soát.

chan-nuoi.jpg

Thông tin chất tạo nạc đã ảnh hưởng đến thị trường (Ảnh: Dân việt)

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hàng năm, Việt Nam tiêu thụ 4 triệu tấn thịt trong đó 3 triệu là thịt lợn. Dù đang trong thời điểm khủng hoảng lòng tin nhưng tổng lượng thịt nhập vẫn dừng ở mức trên 100.000 tấn/năm, gồm thịt bò cao cấp, đùi, và cánh gà… Trước thực tế đó, cần có phương án kiểm tra lợn trước khi đưa vào lò mổ.

Ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo đề xuất, phương án kiểm tra nước tiểu lợn để phát hiện chất cấm tại các cơ sở chăn nuôi và giết mổ nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn ra thị trường. Tuy nhiên TS Lê Ngọc Châu, người trực tiếp thực hiện đề tài “Đánh giá tồn dư các hóa chất độc hại trong thịt lợn siêu nạc” cho rằng ý kiến này khó khả thi vì với 7 triệu hộ nuôi lợn phân tán hiện nay, việc kiểm tra các cơ sở này để phát hiện và bắt họ tuân thủ hầu như không thể. Đấy là chưa kể kinh phí xét nghiệm chất cấm trong nước tiểu không hề rẻ, 400.000 đồng/mẫu. Mà để đảm bảo đúng quy trình, một con lợn có nước tiểu bị phát hiện dương tính với chất cấm phải có không dưới hai mẫu xét nghiệm, một mẫu lúc phát hiện và một mẫu sau 7 ngày nuôi đào thải.

>> TS Lê Thị Hồng Hảo – Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quốc gia cũng nói: “Việc cấm sử dụng các chất tạo nạc trong TACN là cần thiết, nhưng không có nghĩa là hàm lượng của các chất này trong thực phẩm bằng 0. Do đó, cần có quy định về giới hạn tồn dư tối đa cho phép của các chất Clenbuterol và Salbutamol trong thực phẩm trên. Theo kết luận của chúng tôi, hàm lượng các hợp chất này trong thực phẩm ở nước ta vẫn ở mức an toàn, nếu đối chiếu với các quy định của thế giới”. (Dân Việt)

Ông Châu cũng cho rằng, với giá 20-25 triệu đồng/kg chất tạo nạc nguyên chất, người chăn nuôi trực tiếp khó có tiền để mua. Rất có thể các thương lái đóng vai trò pha trộn các loại thuốc khác và chính họ sẽ lại chuyển xuống cho các hộ chăn nuôi.

Điều mà ông Châu phân tích khá trùng hợp với nhìn nhận của các đại biểu tham gia hội nghị “Nói không với chất tạo nạc họ Beta- Agonists trong thức ăn chăn nuôi” do Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam tổ chức ngày 13/4 tại TP HCM.

Ông Phạm Đức Bình - Phó chủ tịch hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, trước năm 2000 các chất kích thích tạo nạc (beta-agonist) được một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đưa vào trong sản phẩm của họ như một bí quyết để thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường nội địa. Từ khi bị cấm vào năm 2002, những chất cấm này vẫn cứ trà trộn trong ngành chăn nuôi, lúc âm ỉ khi bùng phát.

>>Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, với giống lợn siêu nạc tốt nhất trong nước hiện nay, phải mất 5 tháng, mới đạt 95-100 kg/con. Nhưng nếu bón thêm thần dược Beta-Agonist chỉ cần ở mức một thìa cà phê thuốc đậm đặc cho 10 con lợn loại 70-80 kg/con, thời gian xuất chuồng với trọng lượng 100 kg/con rút ngắn chỉ còn ba tháng. (Tiền phong)

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam khẳng định các doanh nghiệp thuộc hiệp hội không sử dụng chất cấm. Các trường hợp bị phát hiện có chất cấm trong thức ăn đều có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc là hàng nhái nhãn mác được nhập lậu về Việt Nam.

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi, các chất cấm họ beta-agonist lưu hành ở Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Để qua mặt các cơ quan chức năng, người mua thường vận chuyển qua đường tiểu ngạch hay pha trộn trong các loại thức ăn chăn nuôi bổ sung với nhiều tên gọi khác nhau.

Bên cạnh đó, ông Lê Bá Lịch cho rằng chính cơ quan quản lý quá dễ dãi trong việc cấp phép nhập khẩu các loại premix và phụ gia sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cơ quan nhà nước chỉ căn cứ vào mô tả của doanh nghiệp là đưa chất đó vào danh mục được phép nhập khẩu, trong khi lẽ ra phải đem mẫu đến phân tích thì mới đưa vào danh mục

Ông Phạm Đức Bình nhìn nhận, khó có thể diệt tận gốc việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nếu chúng ta vẫn thiếu chế tài xử lý đủ mức răn đe./.