Tuần qua tại khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận và điều trị hàng trăm ca mắc tay chân miệng, phần lớn là trẻ em từ 2 - 9 tuổi đến từ TP Cần Thơ, các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang.

tay_chan_mieng_vov_xzos.jpg
Bác sĩ khám cho bệnh nhi tay chân miệng tại khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ.

Tính đến thời điểm này, Cần Thơ ghi nhận hơn 800 trường hợp mắc Tay chân miệng, tăng 42 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Các quận, huyện có số ca mắc tăng cao như: Ninh Kiều, Ô Môn và Phong Điền. 

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Cần Thơ, cho biết, số ca mắc bệnh năm nay chủ yếu ở trẻ nhỏ từ 7 – 8 tháng tuổi và diễn tiến bệnh phức tạp hơn; nhất là trường hợp trẻ mắc bệnh chưa có biểu hiện lâm sàng rõ ràng đã chuyển sang mức độ nặng rất nhanh nguy cơ đe dọa đến tính mạng của trẻ rất cao.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh, ngành y tế Cần Thơ, đang đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn; giám sát thường xuyên các ca Tay chân miệng và xử lý triệt để tại cộng đồng cũng như trong các trường học,  tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh Tay chân miệng cho các bà mẹ có con nhỏ dưới 5 tuổi bị mắc bệnh.

Về giải pháp hạn chế bệnh lây lan trên địa bàn TP. Cần Thơ bác sĩ Chuyên khoa 2 Huỳnh Minh Trúc – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Cần Thơ, khuyến cáo: “Bệnh này, hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vaccine phòng bệnh.

 Do đó, chúng ta cần chú ý đến vấn đề giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ một cách thường xuyên và sớm phát hiện những trường hợp triệu chứng như sốt, nổi bóng nước thì trẻ nên được cách ly. Trong thời gian trẻ bệnh, cho trẻ nghỉ từ 10 đến 14 ngày đến khi hết bệnh”.

Còn tại Trà Vinh, theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có hơn 2.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 10 vừa qua, có tới 400 ca mắc bệnh tay - chân - miệng. Đặc biệt có nhiều bệnh nhi chuyển từ bệnh nhẹ sang nặng rất nhanh. Các huyện Châu Thành, Càng Long, Trà Cú và TP Trà Vinh là địa phương có số ca mắc cao nhất.

Nguyên nhân được cho dẫn đến số ca mắc tay chân miệng tăng cao là do hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh, trong khi việc áp dụng dịch tễ học để khống chế bệnh gặp nhiều khó khăn. 

Do đặc điểm bệnh tay chân miệng khi phát bệnh, bóng nước và dịch tiết chứa nhiều virus và phát ra môi trường khó kiểm soát; thời tiết thay đổi bất thường, trong khi nguồn nước sinh hoạt nhiều nơi chưa đảm bảo. Mặt khác triệu chứng bệnh tay chân miệng rất khó phát hiện sớm nên không được cách ly kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên, Quyền trưởng khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản – Nhi Trà Vinh cho biết: “Trước tình hình bệnh tay chân miệng gia tăng, phía khoa cũng chuẩn bị phòng theo dõi, khu vực cách ly riêng. Về trang thiết bị chúng tôi cũng được hỗ trợ máy theo dõi, nguồn oxy, máy thở dành cho trường hợp mạnh dùng khi cần thiết. Còn nhân lực chúng tôi đã phân cho từng cá nhân cụ thể, đảm bảo thăm khám, chăm sóc, theo dõi 24/24”./.