Số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho thấy: số ca mắc bệnh tay chân miệng tích lũy đến tuần tuần vừa qua là hơn 2.800 ca. Riêng tuần vừa qua có 168 ca, tăng 11% so với trước đó. Riêng tại Khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đang điều trị cho 50 trẻ, có những ngày cao điểm có khoảng 60 ca. Tăng gấp đôi so với trước đó. Trong số trẻ bị tay chân miệng phải điều trị nội trú, thường xuyên 3 trẻ bị tay chân miệng độ 3, cá biệt đã có 1 bệnh nhi bị nặng phải thở máy.

tay_chan_mieng_fkzh.jpg
Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ đang bắt đầu vào mùa. (Ảnh minh họa)

Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, nếu trẻ sốt cao quá 2 ngày, nôn ói, giật mình, yếu tay chân, da nổi bông thì cần đưa trẻ đi bệnh viện ngay. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị tay chân miệng thường nặng hơn trẻ lớn. Các triệu chứng của tay chân miệng thường bắt đầu bằng sốt, biếng ăn, đau họng, và mệt mỏi. Một hoặc hai ngày sau khi bắt đầu sốt, những vết lở loét có thể xuất hiện trong miệng. Những vết đốm đỏ mọng nước bắt đầu nổi dạng ban trên da ở tay và chân, có thể cả trên đầu gối, khuỷu tay và mông bé. Phát ban này có thể có mủ nhưng thường sẽ không bị ngứa.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ xuất hiện nhưng nốt ban trên người, không nên bôi hay xức bất kỳ loại thuốc gì, vẫn vệ sinh tắm rửa cho trẻ bình thường. Với những nốt loét trong miệng khiến trẻ đau thì có thể dùng vài loại thuốc để rơ miệng cho trẻ. Tuy nhiên, hiện nay có một số bác sĩ kê thuốc rơ miệng có thành phần thuốc tê, điều này rất nguy hiểm cho trẻ, đặc biệt với trẻ dưới 3 tuổi.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng nên các biện pháp phòng ngừa vẫn là quan trọng nhất. Cả người lớn và trẻ nhỏ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt trước khi thay tã, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh… Đối với trẻ đã đi học bị mắc bệnh, cần cách ly trẻ và vệ sinh toàn bộ khu vực học tập, tránh để phát sinh thành ổ dịch./.