Thành phố Đà Nẵng quyết định kéo dài thời gian “ai ở đâu thì ở đó” từ ngày 23/8 đến 26/8 tới. Cùng với đó, thành phố cho phép một số nhân viên giao nhận hàng hóa của các Trung tâm thương mại, siêu thị được hoạt động với các điều kiện nghiêm ngặt. Cụ thể, các nhân viên này phải được test nhanh âm tính với SARS-CoV-2, được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19. Khi ra đường, các shipper này phải đeo găng tay, mặc đồ bảo hộ, đeo thẻ vận chuyển được Công an thành phố cấp. Thực tế trong 2 ngày qua, số nhân viên ship hàng ra đường rất ít. Trong khi nhu cầu đặt hàng của người dân rất lớn. Vì sao có tình trạng này?
Để đáp ứng giao hàng theo đơn cho khách hàng, Lãnh đạo Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng điều chuyển các bộ phận bảo vệ, bộ phận nhận hàng, kho, kỹ thuật cùng thực hiện nhiệm vụ giao hàng. Siêu thị đăng ký 40 người là nhân viên giao hàng nhưng chỉ có 28 người đủ điều kiện như ít nhất đã tiêm 1 mũi văc xin, có bằng lái xe máy. Đối với những người không đủ điều kiện, quản lý siêu thị chuyển họ qua bộ phận chuẩn bị hàng cho khách. Trong quá trình thực hiện, siêu thị yêu cầu thực hiện nghiêm việc mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay, kính chắn giọt bắn, đeo thẻ nhận diện. Siêu thị Co.op Mart không bán hàng trực tiếp mà chỉ bán thông qua Tổ dân phố và bắt đầu từ 23/8 thì bán theo đơn lẻ cho người dân qua điện thoại. Trong ngày đầu tiên, siêu thị này nhận khoảng 1000 đơn đặt hàng nhưng không thể đáp ứng cho khách mà phải hẹn lại ngày hôm sau.
Ông Phan Thống, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Co.Opmarrt Đà Nẵng cho biết: Ngày 23/8 là ngày đầu Đà Nẵng cho phép nhân viên giao nhận hàng ship hàng cho khách nhưng chưa thực hiện được nhiều.
9 giờ sáng mới xét nghiệm, chờ đến cuối ngày mới có kết quả xét nghiệm. Nhưng do tính cấp bách của đơn hàng, một số shipper của siêu thị đeo thẻ đi giao hàng. Một số chốt linh động cho nhân viên giao hàng qua chốt nhưng một số chốt không cho qua nên chậm tiến độ giao hàng. Việc giao hàng chưa thể nhanh được bởi qua quá nhiều chốt, quá nhiều khâu kiểm tra nên chậm tiến độ giao hàng. Mỗi ngày, siêu thị Danavi mart nhận khoảng 1000 đơn hàng. Siêu thị này bố trí 10 hotline để trả lời tin nhắn và nhận đơn hàng nhưng không thể trả lời hết các cuộc điện thoại của khách mà chỉ có thể phục vụ khoảng 500 đơn hàng.
Lãnh đạo siêu thị này cho biết, từ ngày 23/8, khi thành phố Đà Nẵng cho phép nhân viên giao nhận hàng ship hàng cho khách, Siêu thị đã đăng ký và được cấp 20 thẻ Vận chuyển cho nhân viên giao nhận hàng hóa. Thế nhưng chỉ có 10 nhân viên đi làm được. Nguyên nhân do lượng nhân viên đi làm rất hạn chế vì phải theo quy định “3 tại chỗ”. Các nhân viên ở vùng cách ly và ở “vùng xanh” cũng không được đi làm, trong khi khối lượng công việc rất nhiều. Hiện nay, việc soạn đơn hàng cho từng tổ dân phố rất khó khăn.
"Việc soạn từng đơn hàng cho tổ dân phố gặp rất nhiều khó khăn. Bởi các tổ dân phố không thể gom về chung một đơn mà cứ phải theo đơn từng hộ riêng, thanh toán từng hộ riêng, rồi cộng hết từng đó để đi thu tiền một lần. Vì vậy, trong quá trình phục vụ cũng còn có đôi lúc bị chậm trễ. Siêu thị cũng tận dụng xin giấy phép shipper cho những bạn để trên đường về nhà, các bạn giao hàng luôn cho khách để phục vụ nhanh nhất có thể"- bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc Siêu thị Danavi mart, ở địa chỉ 46, đường Phan Đình Phùng, quận Hải Châu giải thích.
Đến nay, Công an thành phố Đà Nẵng đã cấp 788 Thẻ Vận chuyển cho nhân viên giao hàng. Thế nhưng, thực tế lượng nhân viên giao hàng không đủ như số thẻ đã được cấp bởi đây là số thẻ gồm cả nhân viên làm việc tại siêu thị và nhân viên giao hàng. Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng cho biết, có 3 nguyên nhân dẫn đến số shipper ít hơn số thẻ. Thứ nhất là, nhân viên không ra khỏi nhà để đi xét nghiệm bởi vướng quy định của thành phố “Người dân không được ra khỏi nhà”. Thứ hai là nhiều nhân viên không muốn làm công việc đi giao hàng nên siêu thị cũng không thể huy động được. Thứ ba là nhân viên siêu thị được đi làm rất ít nên không soạn hàng kịp để nhân viên đi giao.
“Cụ thể như Siêu thị Mega Martket phản ánh là trong số nhân viên đăng ký giao hàng thì có nhân viên không đến làm việc. Hiện nay, siêu thị này đề xuất ký kết với một đơn vị giao nhận hàng hóa. Nhưng đơn vị này, nhân viên của họ chưa được tiêm vaccine nên chưa thể tham gia đi giao hàng được”- bà Lê Thị Kim Phương cho biết.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng khẳng định thành phố ưu tiên tiêm vắc xin cho nhân viên giao hàng là để họ đi phục vụ nhân dân chứ không phải tiêm vắc xin xong thì ở nhà, từ chối làm nhiệm vụ. Lãnh đạo thành phố yêu cầu, Sở Công thương rà soát lại danh sách những người đã được tiêm vắc xin nhưng từ chối đi giao nhận hàng, nếu có tình trạng tiêm vắc xin không đúng đối tượng thì xử lý nghiêm.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, thành phố không thể dựa vào tổ dân phố để cung ứng hàng hóa cho cả triệu dân trong điều kiện giãn cách xã hội có thể còn kéo dài. Vì vậy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng giao Phó Chủ tịch Thường trực UBND phố phố sớm tổ chức cuộc họp với Sở Công thương, Công an thành phố và chủ các siêu thị bàn phương án tháo gỡ khó khăn. Ông Lê Trung Chinh đề nghị nên mở rộng việc cấp Thẻ Vận chuyển cho nhân viên shipper hoặc huy động tài xế taxi đã được tiêm chủng để giao hàng cho người dân.
Với tình hình dịch bệnh phức tạp, chúng ta dựa vào các shipper và siêu thị là lâu dài chứ không phải 1, 2 ngày đâu. Vì vậy, chúng ta phải tính toán lại vấn đề này. Những người chưa tiêm vắc xin mà nếu cần thì chúng ta test nhanh để cho họ đi. Công an hỗ trợ việc cấp thẻ. Thứ hai là hiện nay ta đã tiêm vắc xin cho 2000 tài xế taxi. Vậy thì siêu thị và hãng taxi phối hợp với nhau, rất là thuận lợi có vấn đề gì đâu. Tôi nghĩ, lực lượng shipper này chúng ta sử dụng lâu dài chứ không phải 26/8 tới là hết đâu. Cho nên chúng ta phải tính toán vấn đề này một cách chính quy thì mới an dân thời gian lâu dài ./.