Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết: Sự phát triển một cách nhanh chóng nhu cầu dịch vụ việc làm, cùng với thay đổi của thị trường lao động, khiến số lượng các công ty cung ứng lao động gia tăng đáng kể trong hơn hai thập kỷ qua. 

Tăng trưởng của ngành công nghiệp này cũng đồng nghĩa với sự gia tăng nhu cầu điều tiết các doanh nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, đồng thời bảo vệ người lao động, thường là lao động di cư, những người sử dụng dịch vụ của họ. 

lao-dong.jpg
Lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài (Ảnh: Trung tâm Lao động ngoài nước)

Các chính phủ chịu trách nhiệm quản lý các doanh nghiệp cung ứng lao động, nhưng bản thân doanh nghiệp có thể tự mình thực hiện những cơ chế tự điều tiết, giám sát để hoạt động tốt hơn.

Theo đó, năm 2010, Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam (VAMAS) đã áp dụng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC-VN) cho các doanh nghiệp cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài, với sự giúp đỡ của ILO. COC-VN là một cơ chế tự nguyện, nhằm cải thiện việc tuân thủ pháp luật trong nước và các tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường quản lý doanh nghiệp và bảo vệ lao động di cư tránh bị bóc lột và cưỡng bức lao động.

Năm 2012, 20 doanh nghiệp lớn – chiếm tới 30% số lượng lao động Việt Nam được gửi đi làm việc ở nước ngoài, tự nguyện tham gia chương trình thí điểm xếp hạng các doanh nghiệp thực hiện COC-VN. Trong số đó, 8 doanh nghiệp được xếp loại xuất sắc (A1). Năm 2013 sẽ mở rộng diện đánh giá, xếp loại đối với 50 doanh nghiệp trong tổng số khoảng 170 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ở Việt Nam.

Ông Max Tunon, điều phối viên dự án Tam giác tiểu vùng Sông Mekong (dự án bảo vệ lao động di cư) của ILO cho biết: Các công cụ tự điều tiết, đánh giá đóng vai trò quan trọng giúp nâng tầm các doanh nghiệp cung ứng lao động, bởi nó hỗ trợ các quy định của Chính phủ và giúp giám sát các công ty trong lĩnh vực này.  Các công cụ này đặc biệt quan trọng đối với những quốc gia đang gửi ngày một nhiều lao động ra làm việc ở nước ngoài như Việt Nam.

“Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã áp dụng thành công Bộ Quy tắc Ứng xử cho các doanh nghiệp tuyển dụng. Những kinh nghiệm của Việt Nam có thể trở thành một mô hình tốt cho khu vực noi theo” – ông Max Tunon nói.

Theo Thứ trưởng thường trực Lao động – Thương binh và Xã hội, Nguyễn Thanh Hòa, COC-VN là cơ sở để doanh nghiệp có thể xây dựng uy tín, nâng cao thương hiệu của mình trong mắt người lao động và đối tác nước ngoài, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của lao động di cư.

Ông Trần Văn Tư, trưởng Phòng Cơ chế chính sách thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết việc tuân thủ COC-VN có thể giúp ngăn ngừa các hành vi tiêu cực trong quá trình tuyển dụng, từ đó giảm chi phí đối với người lao động và nâng cao chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Việt Nam gửi khoảng 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm. Hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc có hợp đồng ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dự kiến, họ sẽ gửi về quê hương từ 1,8 - 2 tỷ USD trong năm 2013./.

COC-VN bao trùm nhiều khâu, từ quảng cáo, tuyển dụng, đào tạo, hợp đồng cho lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, giải quyết tranh chấp cho tới giúp người lao động trở về nước. Mặc dù Bộ Quy tắc Ứng xử này không thể thay thế cơ chế thanh tra, giám sát của Chính phủ vốn có chức năng xử phạt doanh nghiệp, COC-VN khuyến khích các công ty tự giác, chủ động xem xét và cải thiện quy trình hoạt động của mình trong lĩnh vực này.