Đây là một trong những nội dung quan trọng được thể hiện trong dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng nay (10/9). Theo dự kiến, Dự án luật sẽ được trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.

Siết chặt việc chuyển đổi mục đích nhập cảnh

Tờ trình do Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình bày nêu rõ, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước theo phương châm Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời, để bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và công tác quản lý.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Văn Nam, qua thực tiễn quản lý cho thấy có một số quy định tại các Luật và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn những điểm bất cập, chưa thống nhất.

bo-cong-an.jpg
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam phát biểu tại phiên họp của UBTV Quốc hội sáng 10/9

Một “lỗ hổng” là Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định người nước ngoài sau khi nhập cảnh nếu có nhu cầu sẽ được xét cho chuyển đổi mục đích nhập cảnh. Lợi dụng quy định này, thời gian qua nhiều người nước ngoài đã vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi để thực hiện các mục đích khác, đặc biệt xin chuyển đổi ở lại lao động.

Để phù hợp với thực tế hiện nay đang có nhiều người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, dự thảo Luật đã quy định về thị thực lao động và yêu cầu người nước ngoài vào làm việc có thu nhập tại Việt Nam phải có giấy phép lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động trước khi nhập cảnh.

Thứ trưởng Bùi Văn Nam cũng cho biết, để đảm bảo tính linh hoạt, không cứng nhắc của Luật, đối với một số trường hợp cụ thể được chuyển đổi mục đích nhập cảnh nhưng sẽ do Chính phủ quy định.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh đến việc đảm bảo sự thống nhất trong hệ thông luật, như quy định trong dự thảo luật thị thực Việt Nam có thời hạn không quá 12 tháng, trong khi Luật Đầu tư năm 2005 quy định thời hạn của thị thực cấp cho người nước ngoài vào đầu tư tối đa là 5 năm.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Công an cho rằng quy định thời hạn 12 tháng là phù hợp với điều kiện Việt Nam. Hơn nữa, để đảm bảo sự linh hoạt và thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt Nam, dự thảo luật cũng thiết kế quy định cụ thể đối tượng, điều kiện cấp thẻ tạm trú, ký hiệu, thời hạn của thẻ tạm trú và nâng thời hạn của thẻ tạm trú từ 3 năm lên 5 năm.

“Mở” nhưng phải chặt chẽ

Khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội cho rằng, nội dung dự án Luật phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động đối ngoại.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các văn bản pháp luật phải chế thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ hội nhập, kêu gọi đầu tư, tạo mọi điều kiện để tăng cường hợp tác, giảm bớt thủ tục hành chính. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh các quy định cần đảm bảo chặt chẽ, tránh bị lợi dụng.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh đề nghị quy định cụ thể ngay những trường hợp đặc biệt được chuyển đổi mục đích thị thực (hoặc trong dự thảo nghị định kèm theo) để bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch trong chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi cho người nước ngoài thực hiện và chặt chẽ trong công tác quản lý.  

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc quy định chặt chẽ, cụ thể hơn điều kiện kèm theo để được cấp thị thực thuộc nhóm dễ phát sinh những vấn đề phức tạp như : du lịch, lao động, những người được cấp thị thực ký hiệu D theo Pháp lệnh hiện hành có thể thông qua việc chứng minh về tài chính, vé máy bay khứ hồi…

Về câu hỏi của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu về trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam có nhiều quốc tịch khác nhau, đại diện Bộ Công an cho biết, người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam chỉ được sử dụng một hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu nhằm giải quyết tình trạng phát sinh đối với người có nhiều quốc tịch, trong đó có người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; xác định cụ thể quốc tịch của người đó, hạn chế xung đột pháp luật khi áp dụng các chế tài xử lý vi phạm, đồng thời phục vụ thống kê nhà nước về xuất nhập cảnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn trong phần phát biểu kết luận nhấn mạnh, nhiều nội dung cần thể hiện rõ ngay trong luật, hạn chế tối đa việc giao Chính phủ quy định. Sự thống nhất trong hệ thống luật, đảm bảo dự án luật này không xung đột luật khác đã quy định là những ý kiến cũng cần được Ban soạn thảo tiếp thu, rà soát.

Ngoài ra, Cơ quan soạn thảo cần tiếp cận những vấn đề mới có liên quan đến việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 để bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế./.