Trong năm 2014, ngành thanh tra hướng vào phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật, đặc biệt, tập trung vào công tác thanh tra có trọng tâm trọng điểm, đi vào những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng. Phóng viên VOV phỏng vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh về vấn đề này.
Ông Huỳnh Phong Tranh: Thứ nhất, về công tác thanh tra, chúng tôi tập trung thanh tra có trọng tâm trọng điểm, theo chương trình kế hoạch. Đặc biệt, mục tiêu là phát hiện, những bất cập của cơ chế chính sách. Thứ hai, phát hiện vi phạm để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý. Thứ ba, phát huy những kết quả của đơn vị địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thứ tư, thanh tra bảo vệ quyền hợp pháp của người dân.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh |
Vì vậy, trong năm 2013, toàn ngành đã thanh tra trên 8.900 cuộc thanh tra hành chính và 197.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, phát hiện 329.000 tỷ đồng vi phạm.
Đặc biệt, thực hiện Chị thị của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành địa phương giải quyết những vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài. Trong gần 1 năm, chúng tôi đã giải quyết được gần 90% vụ việc. Về công tác phòng chống tham nhũng, trên tinh thần đảm bảo được yêu cầu vừa là an dân vừa là phát triển kinh tế xã hội.Với chức năng quản lý Nhà nước, chúng tôi đã ban hành các nghị định, các thông tư, hướng dẫn và phát hiện phòng ngừa phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, theo dõi phát hiện phòng ngừa và xử lý tham nhũng. Có thể nói là công tác phòng chống tham nhũng có một sự chuyển biến tích cực trên cơ sở Thanh tra Chính phủ làm tốt công tác quản lý Nhà nước về phòng chống tham nhũng.
PV: Thưa ông, trong năm qua đã có một số vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử sau kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Vậy trong năm 2014, công tác chủ động phát hiện tham nhũng được Thanh tra Chính phủ đặt ra như thế nào?
Ông Huỳnh Phong Tranh: Đối với ngành thanh tra, thực hiện quản lý Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng, trước hết, chúng tôi tham mưu để xây dựng thể chế, hoàn thiện thể chế để đảm bảo yêu cầu quản lý một cách đầy đủ, minh bạch, công khai. Làm thế nào để những sơ hở, bất cập trong thời gian vừa qua được hạn chế đến mức thấp nhất. Thứ hai, chúng tôi triển khai các giải pháp phòng ngừa. Đồng thời, theo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi, thì giải pháp kê khai tài sản và công khai tài sản là giải pháp hết sức quan trọng. Đây cũng là điều kiện để chúng ta quản lý được thu nhập của cán bộ có chức vụ, quyền hạn gắn công tác phòng ngừa, tuyên truyền với thanh tra phát hiện xử lý tham nhũng. Tinh thần là thanh tra đến đâu, kiểm tra đến đâu thì chuyển cơ quan điều tra đến đó gắn với tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng. Khuyến khích, khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng. Đồng thời, phát huy vai trò của xã hội, của báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng làm thế nào phát hiện xử lý, thực hiện nghiêm túc nhất về thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, góp phần tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ của ngành thanh tra nói riêng, trong công tác ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng nói chung.