Thế hệ 8x đời đầu như tôi từng rất sung sướng khi những chiếc túi nylon đầu tiên xuất hiện cách đây vài chục năm. Chiếc túi mỏng manh như là biểu tượng của tiện nghi mà khoa học mang lại cho cuộc sống hiện đại, thậm chí được coi như một cuộc cách mạng về hành vi mua sắm, chấm dứt thời đại mà hễ cần đi chợ hay ra cửa hàng là phải mang theo cái làn cồng kềnh hay cái bị cói quê mùa, thịt cá tôm tép đều phải gói bằng giấy hoặc lá chuối. Không ngờ rằng chỉ sau vài thập kỷ, tiện nghi kịp biến thành cơn ác mộng.
Túi nylon chỉ mới ra đời chừng 80 năm và nó làm thay đổi thế giới nhanh chưa từng có, trong đó mặt trái nhanh chóng hiển lộ, tạo nên nỗi ám ảnh, mối đe dọa đối với tương lai loài người. Với túi nylon và các chất thải nhựa khác, trong vòng 1 thế kỷ, Trái đất phải chịu đựng lượng rác độc hại khó phân hủy lớn hơn toàn bộ lịch sử nhân loại trước đó.
Đến hôm nay, hầu như ai cũng hiểu môi trường ngày càng ít thuận lợi hơn cho sự sống và tình hình đang rất nguy cấp với tốc độ tiêu thụ trung bình 10 túi nylon/ngày mỗi gia đình. Thế nhưng, vẫn rất hiếm người từ chối nó khi mua sắm. Ít người nghĩ rằng, mình nên cho mấy quả cà chua mới mua vào cái túi đựng rau đang cầm để khỏi nhận thêm chiếc túi nylon mới. Nhiều năm trước, các bà nội trợ căn ke còn làm sạch túi nylon để tái sử dụng, nhưng nay, chẳng ai làm vậy vì túi mới đã vứt đi chẳng hết.
Chỉ vì nó quá rẻ. Trong đại đa số trường hợp, nó được phát miễn phí, và cũng chẳng gây tốn kém gì khi vứt đi.
Vậy thì, đừng chỉ tốn công ra rả kêu gọi hãy cứu lấy Trái đất bằng việc ngừng hoặc hạn chế sử dụng túi nylon. Hãy buộc mọi người làm vậy. Hãy buộc mọi người trả giá đắt - bằng tiền - khi muốn có một chiếc túi nylon, thay vì được cung cấp miễn phí hoặc mua với giá siêu rẻ như hiện nay. Tôi tin rằng, mọi người sẽ không dám dùng bừa bãi nữa nếu túi nylon được bán với giá 5.000 - 10.000 đồng một chiếc. Ở tình huống cực chẳng đã phải mua, họ cũng sẽ tận dụng nó nhiều lần thay vì vứt đi ngay. Thu thuế tiêu thụ đặc biệt và phí môi trường cực cao đối với mặt hàng túi nylon là cách để đưa mọi người vào tình thế phải lựa chọn đó.
Bản thân tôi cũng từng bị đặt vào tình huống tương tự khi thanh toán xong ở siêu thị quen nhưng cô thu ngân không rút ra mấy cái túi nylon như mọi khi. Cô nói từ nay siêu thị không phát túi đựng và gợi ý tôi mua loại túi dùng nhiều lần với giá 30.000 đồng/chiếc - bằng tiền rau cả một ngày ở thời điểm ấy. Để khỏi phí 30.000 đồng, tôi giữ cái túi và luôn mang theo khi đến siêu thị này. Rồi cái túi được bà giúp việc xin để đựng đồ đạc mang về quê, và hình như bà vẫn dùng nó khá lâu sau đó.
Tiếc là siêu thị kể trên không kiên trì được chính sách hay ho ấy. Trước sức ép của khách hàng và sự cạnh tranh, chỉ ít lâu sau các cô thu ngân lại phát túi nylon cho khách. Sự "quay xe" bất đắc dĩ này cũng là một ví dụ cho thấy, việc loại trừ túi nylon nếu chỉ dựa vào sự tự nguyện và ý thức cá nhân thì khó khăn đến mức nào, thậm chí có thể nói là bất khả kháng. Vì vậy, những giải pháp cứng rắn là rất cần thiết.
Sau một thời gian "đánh vào túi tiền" để loại trừ dần thói quen dùng túi nylon, Việt Nam nên tiến tới việc cấm sử dụng nó như nhiều quốc gia khác. Kenya thậm chí còn ra luật bỏ tù 4 năm hoặc phạt tới 38.000 USD đối với bất cứ ai bị phát hiện dùng túi nylon. Hình phạt này được áp dụng từ cuối tháng 8/2017, chỉ nửa năm sau khi điều luật được ban hành, nghĩa là người dân có 6 tháng để chuẩn bị cho việc điều chỉnh hành vi.
Việt Nam không nhất thiết phải áp dụng hình phạt quá nặng đó, nhưng cấm túi nylon là điều nên làm, dù sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cản trở. Hiện nay, có khoảng 40 quốc gia ra luật cấm túi nylon, trong đó có nhiều nước châu Phi như Cameroon, Mali, Tanzania, Uganda, Ethiopia..., vậy cớ gì chúng ta không thể?
Mà đó thật ra là điều chúng ta phải làm, nếu không muốn tiến nhanh đến giai đoạn môi trường bị hủy hoại tới mức không còn là nơi mà loài người có thể trú ngụ nữa./.