Việt Nam gây ô nhiễm rác thải nhựa cao thứ 4 trên thế giới
Tại buổi Toạ đàm trực tuyến với Chủ đề “Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam” diễn ra ngày 9/6, PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh Phó Viện trưởng - Viện công nghệ môi trường - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cho biết, cho tới nay, trên thế giới có tới 8,3 triệu tấn rác nhựa được sản sinh ra, trong đó: 9% được tái sử dụng; 12% đốt và 79% ở bãi rác và trôi nổi trong môi trường. Dự báo đến năm 2050 có tới 12.000 triệu tấn rác thải nhựa tiếp tục được xả vào môi trường.
Theo nghiên cứu, chai nhựa mất tới 450 -1.000 năm mới phân hủy hết, túi nilon mất từ 10 -100 năm… Hiện Việt Nam đang là nước đứng thứ 4 trên thế giới về mức độ gây ô nhiễm rác thải nhựa.
Bên cạnh đó, hiện nay những hạt vi nhựa được tìm thấy ở khắp nơi trên hành tinh từ các vùng cực của Trái đất, trên bề mặt đất cho đến nhiều con sông, đại dương, từ các sinh vật phù du đến các loài sinh vật biển khổng lồ và ngay cả trong nước uống sinh hoạt hàng ngày của con người. Thậm chí, chúng còn được tìm thấy trong nước máy, nước đóng chai, bia và các loại hải sản. Được coi là mắt xích cuối cùng trong chuỗi thức ăn, vi nhựa có thể tích lũy vào cơ thể người qua thực phẩm và nước uống.
“Theo ước tính, một người ăn ít nhất 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm và hít vào một lượng tương tự. Một nghiên cứu gần đây của OrbMedia đã phân tích 159 mẫu nước, lấy từ cả nước máy và nước đóng chai ở 14 quốc gia, và phát hiện ra rằng hơn 80% tổng số mẫu chứa các hạt nhựa nhỏ, với trung bình 4,34 hạt nhựa trên một lít nước. Đáng ngạc nhiên hơn nữa, 94% mẫu nước từ Hoa Kỳ chứa vi nhựa, đứng đầu danh sách. Vi nhựa phát thải trên tất cả các môi trường và đại dương trên thế giới. Bên cạnh đó, vi nhựa được sản xuất với các chất phụ gia hóa học giúp chống cháy, chất dẻo… khi phát tán ra môi trường ảnh hưởng độc hại đến với sức khoẻ con người”, PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh cho hay.
Theo báo cáo, Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng, năm 2014 khoảng 1,8 triệu tấn/năm, năm 2016 tăng lên khoảng 2,0 triệu tấn/năm và hiện nay khoảng 3,27 triệu tấn/năm. Khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới).
Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi tháng, mỗi gia đình sử dụng đến 1kg túi nilon. Theo thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam thì trong khoảng thời gian 1990 - 2015 số lượng tiêu thụ nhựa ở Việt Nam đã tăng lên chóng mặt, từ 3,8 kg/người/năm lên đến 41 kg/người/năm.
Số lượng rác thải nhựa lớn như vậy nhưng việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có khoảng 11-12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Đây có thể dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt ô nhiễm đại dương. Trong rác thải y tế có khoảng 5% là rác thải nhựa. Mỗi ngày, có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế. Trong số đó lẫn với rác thải nguy hại (thuốc, hóa chất...), thu gom, tái chế và chôn lấp loại rác thải nhựa này đều ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường.
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, hiện nay, tại Hà Nội trung bình mỗi ngày phát sinh trung bình 7.200 tấn rác, mỗi người thải ra 0,81kg. Nguồn rác thải ở Hà Nội chủ yếu là từ 5 nguồn, trong đó thành phần chất thải nhựa chiếm khoảng 17%.
“Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 453.000 tấn rác thải nhựa bị rò rỉ vào nguồn nước và đại dương. Nếu không quản lý tốt, chất thải nguy hại, chất thải nhựa sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước, đất, không khí,… Việc quản lý chất thải nhựa không thể tách rời trong quản lý chất thải sinh hoạt”, ông Đức cho hay.
Theo ông Đức, hiện tại công tác thu gom đang gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng như: thiếu cơ sở hạ tầng dành cho công tác duy trì vệ sinh môi trường (trạm trung chuyển, điểm cẩu,…); chính quyền chưa thực hiện xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường theo Nghị định 155 NĐ-CP.
“Rác thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại, người dân, các chủ nguồn thải không quan tâm đến việc thải bỏ. Vẫn duy trì thói quen cố hữu bỏ rác không theo thời gian, địa điểm quy định. Dự thảo luật đã được thông qua, chưa có hướng dẫn cụ thể về công tác phân loại dẫn đến các địa phương đều triển khai khác nhau về chủng loại rác cần phân loại, chủng loại rác cần phân loại, quy định mầu sắc; cách thức phân loại, lưu trữ”, ông Đức chia sẻ.
Cần tăng thuế bảo vệ môi trường với túi nilon khó phân hủy
GS.TS. Nguyễn Hữu Dũng cho biết, để khắc phục vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, cần có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ các lĩnh vực như: Giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa. Sử dụng vật liệu thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần, sử dụng công nghệ tái chế rác thải túi nilon, rác thải nhựa. Sử dụng trang bị thùng thu gom đồ nhựa, túi nilon tại các điểm thu gom rác, tránh vứt bừa bãi.
Hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa sử dụng một lần và thay thế bằng đồ sử dụng nhiều lần như túi, giỏ đi chợ bằng vải, sứ, gỗ, tre... Các hộ gia đình cần phân loại rác thải nhựa trước khi mang ra điểm tập kết rác, hoặc để người thu gom rác đến xử lý giúp việc tái chế nhựa dễ dàng hơn.
Các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn,.và mỗi cá nhân cần hạn chế dùng cốc nhựa, túi nilon, các đồ dùng nhựa 1 lần và thay vào đó hãy sử dụng sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường. Nâng cao giá bán và thuế các sản phẩm túi nilon và đồ nhựa dùng 1 lần. Thay thế túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần là yêu cầu cấp bách.
“Cần tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon và các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ đó làm thay đổi thói quen sử dụng của các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, tại các cửa hàng, thay vì phát miễn phí túi đựng hàng hóa mua về thì yêu cầu người dân phải mua túi để thay đổi thói quen mua bán”, GS.TS. Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo - Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng, mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải ngày càng được hoàn thiện, tuy nhiên, vẫn còn chưa đầy đủ hoặc còn những bất cập nhất định. Chất thải nhựa là loại chất thải chiếm lượng lớn trong tổng số lượng chất thải phát sinh, lại có những tác động rất nguy hại tới môi trường, tuy nhiên, chưa có các quy định cụ thể để quản lý loại chất thải nhựa này đặc biệt là loại nhựa sử dụng một lần.
“Hệ thống chính sách hỗ trợ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn trong đó có chất thải nhựa về cơ bản đã được xây dựng, bao gồm: chính sách phân loại chất thải rắn tại nguồn tạo nguồn nguyên liệu đầu vào; chính sách hỗ trợ sản xuất (ưu đãi mặt bằng, vay vốn, giảm thuế...); chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm (trợ giá và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm tái chế). Hệ thống chính sách này vẫn chưa đầy đủ và còn những bất cập, chưa thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải rắn. Đặc biệt hiện nay, phải thừa nhận do tính chất đặc thù của rác thải nhựa đại dương nên chưa có luật riêng biệt. Chưa có cơ chế chính sách cụ thể, cơ chế thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, tái chế”, PGS.TS. Nguyễn Lê Tuấn nhấn mạnh.
Phải phân loại rác tại nguồn trước khi nghĩ tới công nghệ xử lý
Ông Trần Việt Anh - Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng ban Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam cho biết, để giải quyết vấn đề rác thải nhựa thì cần thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, trong đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện.
“Ở Việt Nam hiện nay công nghệ tái chế đang là công nghệ thấp nhất, trong khi nhận thức của các tổ chức, cá nhận ở Việt Nam về kinh tế tuần hoàn còn hạn chế, mang tính lý thuyết nhiều hơn thực tiễn. Trong khi nguồn lực chuyển sang kinh tế tuần hoàn phản gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến, đòi hỏi đội ngũ chuyên gia, có trình độ; hiện còn thiếu doanh nghiệp đủ năng lực về công nghệ tái chế, tái sử dụng”, ông Trần Việt Anh cho hay.
Để giải quyết vấn đề này, cần hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn; xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; Đổi mới công nghệ, là yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; cần xác định ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp; xây dựng chiến lược truyền thông về kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất.
“Hiện nay, vấn đề phân loại và thu gom rác thải đang gặp nhiều bế tắc, phải thực hiện ngay việc này trước khi nói về công nghệ tái chế. Cần có luật, giải pháp rõ ràng để giải quyết dứt điểm vấn đề này. Sẽ không có giải pháp nào căn cơ trong giải quyết rác thải nhựa nếu chưa phân loại rác tại nguồn. Vì không nghĩ tới phân loại, thu gom thì xử lý tái chế rác sẽ rất khó”, ông Trần Việt Anh nhấn mạnh./.