Trong số này có đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội lên đến vài tỷ đồng như: Công ty Cổ phần Xi măng Sông Đà Ia Ly trên 2,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sông Đà 101-Ia Mơ Nông trên 2,2 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sông Đà 3 trên 4,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sông Đà 4 nợ đọng hơn 5,5 tỷ đồng…Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội đã và đang diễn ra làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động.

Vì chưa thu được tiền nên hơn 3.000 người lao động không cấp thẻ bảo hiểm, gây khó khăn trong quá trình khám chữa bệnh, thai sản… và có hàng trăm người đủ tuổi về hưu nhưng chưa được chốt sổ lương.

Công ty Cổ phần Xi măng Sông Đà Ia Ly, đơn vị đóng chân tại địa bàn xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pẳh là đơn vị có “truyền thống” nợ đọng bảo hiểm xã hội từ nhiều năm nay. Mặc dù được đôn đốc thường xuyên của các cơ quan có trách nhiệm, thế nhưng đến thời điểm này đơn vị vẫn nợ đọng trên 2,3 tỷ đồng. Trước tình trạng này đã khiến cho hàng trăm công nhất hết sức bất bình và lo lắng cho cuộc sống của bản thân mình.

bao-hiem.jpg

Người lao động gặp nghiều khó khăn trong khám chữa bệnh khi không được đóng bảo hiểm

Đóng bảo hiểm đúng thời hạn, đảm bảo cho công nhân và người lao động yên tâm làm việc là mong muốn chung của người lao động trong công ty. Anh Cù Mạnh Năng, công nhân nhà máy xi măng Sông Đà Ia Ly, mong muốn công ty đóng bảo hiểm xã hội cũng như bảo hiểm y tế cho công nhân.

Trước tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài của một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai đã nhiều lần đến các đơn vị này đôn đốc và yêu cầu nộp bảo hiểm đúng thời hạn, nhằm đảo bảo quyền lợi cho người lao động, nhưng các đơn vị này vẫn phớt lờ yêu cầu trên.

Do quy định của pháp luật, bảo hiểm không có quyền xử phạt, mà đơn vị có trách nhiệm báo cáo các cơ quan có thầm quyền đề ra các hình thức xử lý. Trong khi đó mức xử phạt hành chính không quá 30 triệu đồng, do vậy các đơn vị này sẵn sàng nộp phạt chứ không chị nộp bảo hiểm.

Ông Phạm Văn Thảo, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai cho biết:  “Về phía Bảo hiểm tỉnh, định kỳ hàng tháng có thông báo cán bộ chuyển khoản theo dõi thu, thông báo cho các đơn vị nợ quá 3 tháng thì Bảo hiểm xã hội báo cáo cho UBND tỉnh và đơn vị quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội là Sở Lao động Thương binh và Xã hội, để họ đẩy mạnh công tác thanh tra. Còn việc xử phạt thì bảo hiểm xã hội lại không có quyền. Còn mức phạt nhiều nhất là 30 triệu, trong khi đó nợ tiền tỷ”.

Trước thực trạng này, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai sẽ triển khai các bước theo trình tự như: Cán bộ chuyên quản thu liên hệ và trực tiếp đến đơn vị để đôn đốc, đối chiếu thu nộp, thông báo tình hình đóng bảo hiểm xã hội đến đơn vị hàng tháng. Nếu đơn vị vẫn không nộp thì tiếp tục gửi văn bản đôn đốc đơn vị. Sau 3 lần nhưng đơn vị vẫn không đóng, thì tiếp tục lập biên bản đối chiếu thu nộp một lần nữa, đồng thời gửi văn bản thông báo cho đơn vị cấp trên hoặc cơ quan quản lý đơn vị để có biện pháp đôn đốc.

Sau các trình tự trên, nếu đơn vị vẫn không đóng thì gửi báo cáo đến UBND tỉnh cùng cấp và Thanh tra Nhà nước, Thanh tra Lao động trên địa bàn để kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã quá thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, theo quy định của pháp luật, mà các cơ quan có thẩm quyền chưa xử lý thì cơ quan lập hồ sơ khởi kiện đơn vị ra Tòa án.

Việc khởi kiện các đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hộ là điều mà các cơ quan chức năng không hề mong muốn. Nhưng đó là việc làm cần thiết, nếu các đơn vị vẫn cố tình chây ỳ, nợ đọng kéo dài. Và đây là bước cuối cùng để các doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người lao động./.