Khu vực 1 kinh thành Huế hiện có khoảng 4.200 hộ dân sinh sống. Do sống trong những ngôi nhà tạm bợ, không gian chật hẹp, khu vực không được tu sửa, nâng cấp, các điều kiện về vệ sinh môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích...
Theo đó, Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế được được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, thực hiện trong năm 2019 đến 2021 triển khai di dời các hộ dân trong phạm vi di tích Kinh thành Huế gồm: Tường thành, các eo bầu, hộ thành hào… với hơn 2.930 hộ. Giai đoạn 2, từ năm 2022 đến 2025 di dời hơn 1.200 hộ dân ở các khu vực còn lại. Tổng kinh phí di dời, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế khoảng 2.735 tỷ đồng. Ngoài ra, phần hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ di dời, giải phóng mặt bằng với quy mô 105ha, tổng mức đầu tư 1.362 tỷ đồng.
Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
Bà Nguyễn Thị Nhũ, người dân sống ở tổ 14, phường Thuận Lộc, thuộc khu vực I Kinh thành Huế cho biết: “Bà con ở đây hầu hết tạm bợ, muốn sửa chữa nhà cho vững chãi thì không được sửa. Tiền không có muốn vay vốn ngân hàng thì ngân hàng không cho vay vì đây là khu giải tỏa và dự án treo, mỗi một mùa mưa bão bà con phải di dời đi nơi khác. Bà con cũng trông chờ được di dời đi nơi khác, để có an cư mới lập nghiệp được”.
Vẫn còn hơn 4.200 hộ dân sinh sống ở khu vực I di tich Kinh thành Huế gây tác động tiêu cực đến di sản thế giới. |
Đề án này thực hiện theo nội dung Thông báo số 26/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên-Huế về đề xuất cơ chế đặc thù về di dời, hỗ trợ tái định cư các hộ dân trong khu vực I di tích Huế. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn triển khai để Bộ KH-ĐTchủ trì, phối hợp Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ kinh phí phù hợp./.
6.000 hộ dân còn sống trong khu vực các di tích Huế