Gần 1 năm trôi qua, người dân sống ven sông Trường, xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn vẫn nhớ như in tác hại trận lũ dữ. Đợt mưa lớn do ảnh hưởng cơn bão số 12, tháng 11 năm ngoái, cộng với việc xả lũ từ nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 đã gây sạt lở nghiêm trọng ở nhiều điểm dọc 2 bên bờ sông Trường, đoạn qua 2 xã Phước Hòa và Phước Hiệp.
Những ngôi nhà ọp ẹp cạnh sông Trường còn sót lại sau đợt lũ lớn năm ngoái
“Tôi sợ nước lớn với mưa gió to nữa, đất lở gần tới nhà. Ban đêm ngủ không được, lo sợ bị lở đất tới nhà mình thì không biết chạy chỗ nào. Cũng sợ chết nữa”.
Nhiều bụi tre trước kia trồng gần bờ nay đã ngả hẳn ra dòng sông. Hiện, dòng nước chảy xiết vẫn tiếp tục ngoạm vào 2 bờ sông Trường, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân nơi đây.
Nước lũ cộng với việc xả lũ từ nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 cuốn hết đất đai, nhà cửa các hộ dân xã Phước Hiệp |
Gia đình anh Hồ Văn Hùng, ở thôn 4, xã Phước Hiệp đã ở đây hàng chục năm cho biết, trước đây không hề có tình trạng này, dù có bị lụt thì nước cũng rút rất nhanh và không xảy ra sạt lở. Nhưng từ khi có thủy điện, dòng sông này bắt đầu hung dữ.
“Mỗi lần lụt là mỗi lần bồn chồn lo lắng, ngủ không được. Giờ số gia đình chuyển đi được rồi thì khỏe, nhưng tụi tôi còn lại đây mới mệt. Bình thường thế này thì cũng yên ắng tý chứ lụt xuống là ngủ không được đâu. Mưa, lũ, rồi thủy điện xả lũ nữa. Mỗi năm phá vào 2 đến 3 m, tới năm vừa rồi phá nặng lắm làm hoa màu, đất đai, nhà cửa ngập tùm lum hết”, anh Hồ Văn Hùng nói.
Trước mùa mưa lũ năm nay, UBND huyện Phước Sơn hỗ trợ các gia đình nguy cơ sạt lở 80 triệu đồng mỗi hộ, di dời tới nơi ở mới, ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, rút kinh nghiệm từ đợt lũ năm ngoái, huyện chủ động tính toán các phương án phòng chống lụt bão.
Theo đó, huyện chỉ đạo một số cơ quan ban ngành liên quan cắm biển báo ở các nơi có nguy cơ sạt lở và có kế hoạch di dời dân ở những vùng có nguy cơ cao; chuẩn bị 20 tấn gạo dự phòng tắc đường do mưa lũ...
Ông Nguyễn Quảng cho biết, huyện đề nghị chủ đầu tư các thủy điện phải có phương án, kế hoạch điều tiết xả lũ một cách hợp lý để tránh ngập lụt cho vùng hạ du.
“Riêng các nhà có nguy cơ sạt lở do quá trình xả lũ thì đến giờ phút này huyện cũng đã làm việc với các doanh nghiệp thủy điện khảo sát thực tế. Sau đó, doanh nghiệp thống nhất sẽ cùng với huyện phối hợp để trao đổi mức hỗ trợ như thế nào”, ông Nguyễn Quảng chia sẻ./.
Hàng trăm hộ dân ở Quảng Nam đối mặt nguy cơ sạt lở nghiêm trọng
Điện Biên cần di dời khẩn cấp 44 hộ dân trước nguy cơ sạt lở
Cảnh báo sạt lở đất, lũ quét ở Quảng Ninh, Hòa Bình, Thái Nguyên