Trong xây dựng cơ bản, vai trò giám sát của HĐND là rất quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với sự thành công của một công trình. Phát hiện, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những sai phạm để kịp thời ngăn chặn và xử lý các việc làm sai quy định, các hoạt động xây dựng không đúng quy hoạch, gây lãng phí, thất thoát, xâm hại lợi ích của cộng đồng, ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả giám sát của HĐND là mong muốn của cử tri để góp phần đảm bảo hoạt động đầu tư xây dựng phù hợp với các quy hoạch được duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Một công trình xây dựng. |
Trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, cử tri đặc biệt quan tâm đến những bất cập trong việc quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng và quản lý các công trình nhà chung cư trên địa bàn thành phố.
Nhiều cử tri khẳng định vấn đề cấp phép và xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng trong thời gian qua thực hiện chưa nghiêm. Tình trạng xây dựng nhà trái phép và không phép vẫn còn phổ biến ; nhiều công trình đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn Nhà nước kém chất lượng, công trình xuống cấp nghiêm trọng; vấn đề xóa quy hoạch treo vẫn chưa được các ngành chức năng giải quyết triệt để; vấn đề môi trường ô nhiễm tại các khu dân cư; công trình nhà ở xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống người dân sống ở các chung cư cũ trong thành phố Hà Nội...
Mới đây nhất việc tòa nhà cao tầng tại số 8B Lê Trực xây dựng vượt mức cho phép đã gây bức xúc cho người dân.
Ông Nguyễn Thanh Bình, số 175 Tây Sơn, Hà Nội đặt câu hỏi về vai trò và trách nhiệm giám sát của HĐND: “Ví dụ như nhà 8B Lê Trực là nhà cao tầng sừng sững như thế mà mọc lên, bây giờ xây dựng gần xong rồi các cơ quan quản lý mới biết, tôi không hiểu là chức năng giám sát và quản lý của các cơ quan nhà nước ở đâu, trách nhiệm như thế nào, câu hỏi đặt ra là vai trò giám sát của đại biểu HĐND ở đâu?. Tại sao sự việc đã rồi mới truy tìm trách nhiệm, tôi cho là phải làm từ gốc, phải nâng cao trách nhiệm hoạt động giám sát của HĐND…”.
Nợ đọng xây dựng cơ bản cũng là một vấn đề nan giải mà cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng không giải quyết được.… Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, nợ xây dựng cơ bản diễn ra ở cả cấp quận, huyện và thành phố. Tính đến cuối năm 2014 cấp thành phố nợ trên 1 nghìn tỷ đồng. Nhiều cử tri hỏi tại sao việc nợ đọng xây dựng cơ bản được HĐND thành phố đặt ra từ nhiều kỳ họp trước, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý triệt để.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội cũng không thể có câu trả lời mà chỉ biết đề nghị UBND thành phố công khai thông tin cụ thể cho cử tri được biết: “Việc này nếu chúng ta không trả lời rõ với nhân dân, với cử tri, cử tri sẽ đánh giá chúng ta không nghiêm. Vì vậy, tôi đề nghị UBND phải xác định móc thời gian cụ thể, kết luận việc này và công khai cho cử tri biết”.
Một trong những nguyên nhân được nêu ra khi hiệu quả của hoạt động giám sát của HĐND còn hình thức là do chưa hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động này. Những quy định chung chung nằm rải rác ở các Luật đã làm cho hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và cuộc sống đặt ra. Tổ Đại biểu và Đại biểu lúng túng, chưa làm tốt chức năng giám sát. Một số đơn vị chịu sự giám sát không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin phục vụ hoạt động giám sát nhưng cũng không bị xử lý.
Bà Lại Thu Giang, thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội đề nghị: “Theo tôi vai trò giám sát của HĐND chưa phát huy được hiệu quả bởi vì tôi vẫn thấy các công trình xây dựng cơ bản như xây nhà trụ sở, làm đường…không đạt chất lượng, không đúng thiết kế, không theo quy hoạch vẫn tiếp diễn xảy ra. Vì vậy tôi nghĩ là phải quy định cụ thể trong Luật trách nhiệm như thế nào trong giám sát của đại biểu hội đồng nhân dân . Để hoạt động giám sát của HĐND tốt hơn thì cũng cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa hoạt động giám sát của HĐND vứi các cơ quan quản lý Nhà nước, MTTQ …cũng phải tạo điều kiện để cử tri cùng tham gia vào hoạt động giám sát thì mới có thể tốt lên được”.
Cử tri cho rằng dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND lần này sẽ là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho hoạt động giám sát của HĐND nâng cao được hiệu quả và đi vào thực chất.
Dự thảo Luật đã phần nào cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm giám sát của đại biểu hội đồng nhân dân. Tuy nhiên nhiều cử tri đề nghị trong Luật cần quy định rõ tính pháp lý của kết luận giám sát, nghị quyết chất vấn. Luật cần bổ sung quy định về Tổ đại biểu HĐND là chủ thể có thẩm quyền giám sát, thời gian trả lời các chất vấn không được trả lời trực tiếp tại kỳ họp, sau khi trả lời chất vấn thì phải có nghị quyết thi hành, trách nhiệm giải trình của ngành chức năng trước Hội đồng nhân dân về các vấn đề bức xúc, có chế định sau giám sát…
Bà Nguyễn Thị Lan, Ủy viên HĐND quận Hà Đông, TP Hà Nội đề nghị có quy định cụ thể về tái giám sát và có chế tài mạnh để thực hiện các kết luận giám sát hiệu quả: “Chúng tôi đề nghị cũng cần bổ sung thêm hiệu quả giám sát của hội đồng nhân dân phải được đảm bảo bằng hiệu quả giám sát việc xử lý các kiến nghị sau giám sát, hoặc việc thực hiện nghị quyết giám sát của HĐND”.
Giám sát là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn chính của HĐND nhằm thực hiện vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Vì vậy nâng cao trách nhiệm và hiệu quả của hoạt động giám sát là điều cấp thiếp để góp phần vào thành công của các dự án xây dựng cơ bản nói riêng, quá trình phát triển của một nền kinh tế vững mạnh nói chung./.