Nhiều ngày qua, không chỉ dư luận Thủ đô, mà dư luận cả nước đang rất quan tâm đến công trình kiến trúc 17 tầng tại số 8B Lê Trực, Ba Đình, Hà Nội. Vì sao một trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê lại được dựng ngay bên trung tâm chính trị Ba Đình? Và ai phải chịu trách nhiệm về công trình đang bị dự luận lên án này?

Giải đáp một phần nội dung này, phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

PV: Thưa KTS Trần Ngọc Chính, ông có ý kiến như thế nào về dự án phức hợp 8B Lê Trực mà dư luận đang quan tâm?

KTS Trần Ngọc Chính: Rõ ràng đây là công trình cận kề Trung tâm Chính trị Ba Đình. Tôi nghĩ với chiều cao ấy là bất ổn. Trước hết về mặt không gian thì có vẻ lấn át khu vực này. Thứ hai, là nó không phù hợp với tầng cao được quy định, bởi vì lăng Bác chỉ cao 21,6 mét.

Các công trình vừa được xây dựng như tòa nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội cũng rất quan tâm đến chiều cao của công trình chủ thể là lăng Bác. Nhưng tại 8B Lê Trực, ở chiều cao đấy, trong không gian đấy chúng ta cảm nhận thấy là nó không phù hợp.

Một nội dung khác nữa đó là an ninh quốc gia, mà theo tôi rất quan trọng. Tôi nghĩ chiều cao của tòa nhà như vậy về mặt an ninh là có vấn đề. Với những nội dung đó thì tòa nhà 8B Lê Trực không phù hợp với không gian của khu chính trị Ba Đình.

kts_chinh_ydim.jpg
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam bày tỏ quan điểm về Dự án phức hợp 8B Lê Trực.
PV:Vậy, tại sao Hà Nội lại có thể cấp phép một công trình như vậy, thưa ông?

KTS Trần Ngọc Chính: Tại sao lại cho xây dựng công trình đó thì chúng ta phải xem lại nội dung của công tác quản lý và xây dựng. Bởi vì tất cả công trình xây dựng, kiến trúc cần phải được quy hoạch. Quy hoạch được duyệt sau đó quy hoạch chi tiết được duyệt xong mới lập dự án. Dự án cũng phải được phê duyệt rồi mới xây dựng được.

Vấn đề là chúng ta phải xem ai chuyển đổi mục đích, ai phê duyệt quy hoạch đó. Việc này những cơ quan có trách nhiệm, những người làm công tác quản lý đô thị phải nắm vững, rất rõ nội dung này.

PV: Khi Hà Nội lên phương án, chấp thuận cho xây dựng công trình, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam có được tham vấn, thưa ông?

KTS Trần Ngọc Chính: Trước đây, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khi làm quy hoạch Trung tâm chính trị Ba Đình, Bộ Xây dựng cũng mời Hội đến để tham gia góp ý cho công tác quy hoạch.

Nhưng riêng công trình này, Hội chúng tôi không được mời để bàn về công trình nhạy cảm này là kiến trúc như thế nào, cao tầng ra làm sao.

Thường nay, với Hội đồng kiến trúc quy hoạch Thủ đô thì những công trình nhạy cảm, những công trình đóng bộ mặt kiến trúc đô thị đều xin ý kiến của các chuyên gia, nhưng công trình này tôi chưa được xem xét.

PV: Vậy, theo ông, ai là người phải chịu trách nhiệm về công trình nhiều dư luận lên án này?

KTS Trần Ngọc Chính: Tôi nghĩ việc đó thuộc những người làm công tác đô thị, người quản lý của thành phố. Chính phủ giao trách nhiệm cho người đứng đầu và những người làm công tác quản lý thủ đô từ thành phố, quận, phường và các sở ngành. Như thế là có cả một hệ thống để tham gia công tác quản lý và chỉ đạo xây dựng thành phố. Những cơ quan đó, bộ phận chức năng đó, ai làm đến đâu thì phải chịu trách nhiệm về việc công trình được xây dựng như hiện nay.

PV: Dưới góc độ của một KTS và là Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, theo ông, đâu là hướng xử lý đối với dự án phức hợp này?

KTS Trần Ngọc Chính: Tôi nghĩ việc này bây giờ phải được đưa ra xem xét một cách cụ thể, trước hết là những người có trách nhiệm về lĩnh vực kinh tế xã hội, về an ninh quốc phòng phải có ý kiến một cách rất thấu đáo.

Với những ý kiến đề xuất, những người có trách nhiệm sẽ rút ra quyết định cho việc công trình này sẽ như thế nào. Bản thân tôi thì cho rằng, nếu để như thế thì không thể phù hợp trong không gian rất quan trọng này.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.