Tối nay (10/8), nhằm ngày rằm tháng 7 âm lịch,  hàng trăm nghìn tăng ni, phật tử tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đổ về các chùa để tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa trong mùa Vu lan báo hiếu.

dai_le_vu_lan_ixhu.jpgĐại lễ Vu lan (ảnh: chudu24)
Từ chiều, dòng người đổ về chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh đã rất đông. Ngoài việc lên chùa dâng hương, dâng hoa, dự lễ cúng dường, cầu siêu, chẩn tế, nhiều người còn dự lễ gắn hoa hồng cài áo và nghe các sư thầy thuyết giảng về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của ngày Vu Lan.

Có thể nói, vào mùa Vu Lan, trong tâm hồn mỗi người, hình ảnh các bậc sinh thành được hiện lên một cách sống động nhất, những công ơn và sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái được thức tỉnh và nâng niu nhất. Vì vậy, dù có nhiều bận rộn trong công việc mưu sinh nhưng họ vẫn dành thời gian đến các chùa cầu nguyện cho mẹ cha. Trong lễ Vu lan năm nay, nhiều phụ huynh dẫn theo con cái mình đến chùa, ngoài việc cầu an còn qua đó giáo dục con cái về tình yêu thương, sự quý trọng cha mẹ.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Giang, phường 5, quận Phú Nhuận chia sẻ: “Mọi năm tôi hay đi chùa để cầu an cho cha mẹ, tưởng nhớ đến công ơn của mẹ. Nhân dịp lễ năm nay, tôi dẫn con tôi theo để bé giống như tôi biết ơn cha mẹ những người đã sinh thành ra mình. Tôi muốn dạy cho con tôi Lễ Vu lan là như thế nào”.

Không chỉ riêng chùa Vĩnh Nghiêm mà tại các ngôi chùa lớn khác như tại thành phố Hồ Chí Minh như: Việt Nam quốc tự, chùa Hoằng Pháp, chùa Kỳ Quang, chùa Xá Lợi …trong những ngày qua, nhiều hoạt động, sinh hoạt tôn giáo truyền thống của Đại lễ Vu Lan báo hiếu đã diễn ra nhằm nhắc nhở mọi người về hạnh hiếu, về công ơn trời biển của đấng sinh thành, giáo dục về đạo làm con, tình thương yêu đồng bào, cộng đồng.

Vu lan – mùa báo hiếu đã trở thành một nghi lễ quan trọng và đẹp đẽ của dân tộc, đề cao tình hiếu thuận và sự biết ơn. Ngày lễ Vu Lan đã và đang là một hoạt động xã hội hết sức tích cực, đầy tính nhân văn, được nhiều người đón nhận.

Hòa thượng Thích Huệ Phương, thành viên Ban chấp hành Giáo hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Mỗi năm số lượng người hưởng ứng để báo đáp cho cha mẹ của mình trong hiện thời, trong quá khứ ngày càng lúc càng nhiều, nó cũng phù hợp với tinh thần đạo hiếu của dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam chúng ta đề cao chữ hiếu, trong khi đó tinh thần báo hiếu của nhà Phật cũng rất phù hợp. Chính vì vậy mà chương trình báo hiếu của nhà phật đã trở thành lễ trọng chung của cả cộng đồng chứ không riêng gì của phật giáo.”/.