Trước phản ánh về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có quá nhiều sai sót, thậm chí phản cảm, thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa sách.

Quy trình sửa sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 như thế nào, việc sửa chữa có ảnh hưởng đến việc học của học sinh hay không, thời gian sửa chữa trong bao lâu… là những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

“Tôi nhận thấy đây là tinh thần hết sức cầu thị của những người biên soạn sách. Nhưng mà tôi cũng có băn khoăn là các cháu đang học chương trình sách giáo khoa như vậy nếu chỉnh sửa thì sẽ được làm theo lộ trình như thế nào. Sách liệu có được in lại và học sinh có phải mua lại không hay là tiếp tục học chương trình này và sách sẽ chỉnh sửa cho năm tiếp theo. Tôi thấy rằng sách Cánh Diều đối với con tôi nó khá là nặng, thế nên là dù có chỉnh sửa hay không thì theo ý kiến của tôi là tôi đề nghị là được thay sách phù hợp với con của tôi hơn”, một phụ huynh có con học lớp 1 nói.

Đó là một số ý kiến của phụ huynh học sinh sau khi nhận được thông tin Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 và tác giả sẽ chỉnh sửa sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Một số ý kiến cho rằng, việc thừa nhận sai sót và sẽ thực hiện chỉnh sửa sách dù muộn nhưng cũng thể hiện sự tiếp thu nghiêm túc của Hội đồng thẩm định và tác giả.

Vấn đề đặt ra hiện nay đó là học sinh đã học được hơn 1 tháng và việc học cũng không thể gián đoạn nên việc chỉnh sửa sách này sẽ được thực hiện như thế nào. Tiến sỹ Lê Thống Nhất nêu giả thiết, với tình hình hiện nay chắc chắn học sinh không có một quyển sách hoàn chỉnh về Tiếng Việt lớp 1 sau khi chỉnh sửa mà rất có khả năng nhà xuất bản sẽ in những trang chỉnh sửa thành các tập tài liệu.

"Tôi nghĩ là tập tài liệu này phải chuyển được xuống tất cả các nhà trường đang sử dụng sách Tiếng Việt 1 trong Cánh Diều. Tuy nhiên, tài liệu này có in đẹp như giáo khoa hay không, hay là chỉ là một bản hướng dẫn giảng dạy. Nếu chỉ là bản hướng dẫn giảng dạy thì giáo viên có thể xử lý được, nhưng khi học thì học trò sẽ không có tài liệu gì cả. Vậy tôi nghĩ là tốt nhất là chúng ta in lại các trang mà có chỉnh sửa và phải được chuyển tới tất cả mọi người mua sách Cánh Diều này và rõ ràng chúng ta không thể thu tiền”, Tiến sỹ Lê Thống Nhất nói.

Hiện nay, cả phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 và tác giả cũng chưa đưa ra phương án chỉnh sửa sách cụ thể, lộ trình thực hiện, cũng như thời điểm nào học sinh có sách mới. Vì vậy, nhiều ý kiến cũng lo ngại, liệu việc chỉnh sửa sách của tác giả có hết được toàn bộ “sạn” trong cuốn sách hay không.

Tiến sỹ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho rằng, việc chỉnh sửa sách và đưa vào giảng dạy ngay trong năm nay là rất khó khăn và rất khó thực hiện. Với Chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa chỉ là tài liệu để giáo viên tổ chức dạy học, còn chương trình mới là “pháp lệnh”, nên chúng ta hoàn toàn có thể thay thế sách Tiếng Việt lớp 1 của Cánh Diều bằng sách sách của các nhà xuất bản khác.

“Các thầy cô có thể lựa chọn được tất cả những cuốn sách khác và xây dựng những bài tập riêng cho mình để dạy cho học sinh của mình. Vậy thì không có lý do gì mà chúng ta phải dành quá nhiều thời gian cho vấn đề chỉnh sửa mà chỉ cần quyết định là quyển sách Cánh Diều không được học ở trường tiểu học nữa là xong. Bởi vì từ hiện giờ cho đến 15/11, học sinh vẫn phải học theo cuốn sách cũ, từ 15/11 trở đi chúng ta cũng không biết chắc chắn là quyển sách sau khi chỉnh sửa nó đã thực sự ổn để mà các con học được hay không”, Tiến sỹ Vũ Thu Hương bày tỏ quan điểm.

Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, về chất lượng, sách Tiếng Việt lớp 1 trong bộ Cánh Diều không đạt, nếu tiếp tục giảng dạy sẽ có hại cho học sinh.

Những nội dung được cho là chưa phù hợp của sách mà các chuyên gia, phụ huynh và báo chí đã nêu không thể coi là “sạn”, mà là những lỗi sai cơ bản cả về phương pháp biên soạn, ngữ liệu, tri thức về ngôn ngữ học, về mục đích dạy Tiếng Việt. Ngữ liệu của các bài đọc ngô nghê.

Người biên soạn không có tư duy văn học; phương pháp học âm vần ghán ghép các từ ngữ rất tùy tiện; nghĩa của từ đưa vào sach sai rất nhiều, không đúng thực tế sử dụng… Nếu muốn dùng để dạy thì phải biên soạn lại chứ không thể sửa chữa theo kiểu chắp vá như phương án mà tác giả đưa ra.

“Tôi cho rằng cách xử lý như vậy là mang tính chắp vá. Bởi vì cơ sở khoa học để biên soạn sách này không xuất phát từ chuẩn mực khoa học, không đạt yêu cầu cho nên bây giờ có đưa ngữ liệu nào vào xử lý nó cũng sống sít chứ không thể là một bộ sgk đảm bảo chất lượng…Về thời gian, hiện nay trẻ em đã học rồi, bây giờ bắt chờ sửa xong học thì sẽ  gây ra bao nhiêu phiền toái cho các gia đình, vừa tốn kém vừa  ảnh hưởng lâu dài đến việc đào tạo cho các em. Chúng ta phải nhất quán quan điểm:  Trẻ em không phải vật thí điểm cho các nhà khoa học. Trong trường hợp này phải thu hồi lại”, Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Đạt nêu quan điểm.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, có nhiều bộ sách giáo khoa theo một chương trình thống nhất, trong đó sách giáo khoa có vai trò là tài liệu để các nhà trường, giáo viên nghiên cứu, xây dựng kế hoạch giảng dạy cho phù hợp.

Tuy nhiên các chuyên gia đều khẳng định, dù sách giáo khoa chỉ có vai trò là tài liệu thì ngữ liệu trong sách phải đảm bảo đạt chuẩn cả về mặt ngôn ngữ, tư duy logic, các từ được sử dụng đúng ngữ nghĩa… thì mới trở thành chất liệu tốt để giáo viên xây dựng được bài giảng hấp dẫn, giúp học sinh tiếp thu bài học tốt hơn./.