Rừng phòng hộ ven biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang có nhiệm vụ chắn sóng, chắn gió, bảo vệ đời sống, sản xuất, an toàn tính mạng cho người dân khu vực các huyện phía đông tỉnh. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, rừng phòng hộ ven biển Gò Công bị xâm thực ngày càng nghiêm trọng, hằng năm trung bình rừng bị xâm thực từ 8 - 10 m.

daibienxamthuc.jpg

Đai rừng phòng hộ tại Gò Công bị xâm thực (Ảnh: SGGP)

Ông Võ Đức Phong, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều và rừng phòng hộ tỉnh Tiền Giang cho biết, trước kia rừng ngập mặn Gò Công đai rừng dày từ vài trăm mét nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 40-50 m. Đặc biệt, tuyến đê biển từ cống Rạch Xẻo đến cống Rạch Bùn (huyện Gò Công Ðông) hiện nay tại một số vị trí bề dày đai rừng chỉ còn từ 4-20 m.

Nguyên nhân rừng bị xâm thực nghiêm trọng là do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của sóng biển và tình trạng đánh bắt gần bờ đã làm ảnh hưởng sự bồi lắng của bãi biển, tác động đến xói lở của đai rừng. Để bảo vệ đê biển xung yếu, đặc biệt tại nhiều đoạn rừng đã bị mất trắng, tỉnh Tiền Giang đã tiến hành làm kè mái đê bằng bê tông cốt thép với tổng chiều dài khoảng 3.000 m.

Trước thực trạng này, ông Phong cho biết thêm: “Đối với những chỗ đai rừng không còn, tỉnh có giải pháp tạm thời là cho tiến hành kè để bảo vệ mái đê phía biển. Còn về lâu dài, tỉnh có kế hoạch mở hội thảo khoa học về rừng phòng hộ để tiến hành đưa ra giải pháp làm hệ thống ghe bồi để tiến hành trồng rừng tiếp phía ngoài”./.