Vùng Đông của tỉnh Quảng Nam đang sôi động với hàng trăm dự án đầu tư quy mô lớn. Quá trình giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư xuất hiện tình trạng hàng trăm hộ dân trong vùng dự án vay mượn tiền để xây tường rào, cổng ngõ, lát gạch, làm hồ cá, trồng cây… chờ đền bù. Chính quyền địa phương khẳng định, những ngôi nhà xây mới nằm trong vùng quy hoạch sẽ bị cưỡng chế, không được đền bù. Như vậy, những ai xây nhà chạy dự án sẽ mất cả chì lẫn chài.

quang_nam1_vov_wxfg.jpg
Tháo dỡ nhà trái phép ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đang là điểm nóng về xây dựng công trình trái phép. Khu vực này nằm gọn trong vùng Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Dự án này có tổng diện tích hơn 980 héc-ta. Ngay sau khi nhà đầu tư khởi công xây dựng Dự án, vợ chồng ông Dương Xi thuê thợ xây nhà càng nhanh càng tốt. Chính quyền địa phương nhiều lần đình chỉ xây dựng nhưng ông Xi cho rằng, đất của ông thì ông cứ xây.

“Biết thời gian nào mà quy hoạch tới đây? Đất đai của ông cha tôi để lại thì tôi làm cho con tôi. Tôi không vi phạm”, ông Xi nói.

Trên địa bàn hai xã Duy Hải và Duy Nghĩa của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có hơn 320 trường hợp xây dựng, cơi nới nhà cửa, công trình trái phép chờ đền bù. Nhiều ngôi nhà cấp 4 nhanh chóng nâng cấp thành nhà tầng.

Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, những ngôi nhà xây trái phép có kết cấu thô sơ, nhiều ngôi nhà xây lên nhưng không biết sử dụng vào mục đích gì. Tháng 3 vừa qua, các lực lượng chức năng của huyện Duy Xuyên đã lập biên bản, ra quyết định đình chỉ thi công đối với 107 trường hợp vi phạm.

Ông Thống cho biết: “Vùng đã nằm quy hoạch nhưng các hộ dân vẫn tiếp tục cơi nới, xây dựng, gây rối ren trong an ninh nông thôn”.

Tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, để triển khai Dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An, quy mô 200 héc ta vừa mới khởi công, chính quyền địa phương đã thành lập Tổ công tác quản lý hiện trạng. Qua kiểm tra, phát hiện 8 trường hợp người dân vùng Dự án tự ý xây dựng không phép.

Ông Hoàng Châu Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, địa bàn vùng Đông của huyện hiện có 3 khu công nghiệp và 2 Dự án du lịch, diện tích quy hoạch cả ngàn héc-ta. Các dự án đã công bố quy hoạch, khi người dân nắm được thì ồ ạt xây nhà trái phép chờ đền bù.

“Dự án đã có kế hoạch sử dụng đất rồi, vừa công bố, thông báo chủ trương thu hồi đất, vừa mời các hộ dân lên làm việc nhưng 4 ngày sau thì họ xây dựng trái phép. Tức là họ biết rồi mới xây. Cho nên đang làm thủ tục cương quyết, buộc phải cưỡng chế thôi”, ông Sơn nói.

Ông Phan Việt Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam đối thoại với người dân vùng dự án.

Để ngăn chặn tình trạng người dân vùng dự án tự ý cơi nới, xây dựng trái phép các công trình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ hiện trạng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư cho nhân dân.

Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, phải triển khai quyết liệt, đảm bảo mặt bằng sạch bàn giao đúng tiến độ cho nhà đầu tư; UBND các địa phương trong vùng dự án nghiên cứu thành lập tổ công tác để hỗ trợ UBND các xã kiểm tra, lập biên bản vi phạm và cương quyết xử lý các trường hợp xây dựng, cơi nới trái phép, lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trên lĩnh vực này.

Ông Phan Việt Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết: “Vừa qua, Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã tổ chức các cuộc họp. Đối với huyện Duy Xuyên, mà trực tiếp là xã Duy Hải và Duy Nghĩa, hai xã là điểm nóng của tỉnh.

Chúng tôi thấy, trước tiên là nhận thức của bà con chưa hiểu rõ chủ trương của tỉnh về đầu tư, thu hút Dự án về để mục đích là giải quyết việc làm, hay sắp xếp lại dân cư ven biển. Tinh thần chung, trước hết cán bộ, đảng viên, những người có trách nhiệm phải tự tháo dỡ. Đến một ngày nào đó, một giờ nào đó mà không tháo dỡ thì dùng biện pháp cưỡng chế”./.