Sáng 4/4, UBND huyện Lộc Hà đã tổ chức đối thoại với đại diện giáo dân ở 2 xã Thạch Kim và Thạch Bằng về những khúc mắc xung quanh việc thực hiện chính sách chi trả tiền đền bù thiệt hại từ sự cố môi trường biển. 

su_co_moi_truong_bien_izlx.jpg
Cuộc sống của ngư dân bị ảnh hưởng vì sự cố môi trường biển miền Trung.

Theo UBND huyện Lộc Hà, đến thời điểm hiện tại Hội đồng chi trả cấp huyện đã thực hiện chi trả trong đợt 1 tại 7 xã cho trên 5.700 đối tượng với tổng số tiền gần 150 tỷ đồng. Huyện cũng đã tiến hành áp giá phê duyệt tạm thời hải sản tồn kho tại 12 cơ sở với số tiền gần 5 tỷ đồng và đã chi trả cho 9 cơ sở với số tiền gần 4 tỷ 400 triệu đồng.

Kết quả kê khai rà soát đối tượng bị thiệt hại được đền bù trong đợt 2 do các thôn xóm trình lên tính đến ngày 12/3 là trên 11.000 đối tượng, tuy nhiên các xã thẩm định lại chỉ còn 2.160 đối tượng.

Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo huyện Lộc Hà và ngành chức năng cũng đã tiếp thu những đề đạt kiến nghị của ngư dân liên quan đến những phát sinh từ thực tiễn trong quá trình đền bù để chuyển lên cấp có thầm quyền.

Bên cạnh những yêu cầu về quyền lợi được đền bù thiệt hại, ngư dân cũng mong muốn các cấp chính quyền và ngành chức năng từ trung ương đến địa phương cần phải tập trung cao cho việc giám sát, đánh giá khắc phục sự cố môi trường và vận hành xả thải của Formosa. Bởi theo bà con, tiền đền bù dù nhiều hay ít cũng chỉ bù đắp được những thiệt hại trước mắt còn về lâu dài thì không gì có thể thay thế sự trong lành của môi trường biển. Đấy mới là sinh kế bền vững nhất cho ngư dân.

Tính đến ngày 27/3/2017, tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt giá trị thiệt hại được bồi thường, hỗ trợ là 1.091 tỷ trong tổng số 1.200 tỷ đồng kinh phí do Trung ương tạm cấp. Cũng đến ngày 27/3, các địa phương đã chi trả được hơn 1.022 tỷ đồng, nghĩa là bằng gần 94% kế hoạch chi trả trong đợt 1.        

Nguồn tiền đền bù đã thực sự bù đắp những thiệt hại cho ngư dân sau một thời gian gián đoạn hoạt động đánh bắt và mở ra những kế hoạch mới trong sản xuất. /.