Tình trạng người lao động nước ngoài vi phạm Luật Lao động và Luật Cư trú Việt Nam kéo dài nhiều năm nay tại một số tỉnh miền Trung. Núp bóng các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, lao động nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc đã đóng bè nuôi thủy sản trên vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; lập các cơ sở nuôi cá ở Vũng Rô ở tỉnh Phú Yên.

Khánh Hòa: Trên cương quyết, dưới… làm ngơ

Được thiên nhiên ưu đãi, vùng vịnh đảo ở thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa là vùng nuôi trồng thủy sản lớn trong cả nước. Tôm hùm, cá mú ở Ba Ngòi, Bình Ba, thành phố Cam Ranh nức tiếng trong Nam, ngoài Bắc.

Lâu nay, để kiếm kế sinh nhai, người dân chọn một vùng mặt nước trên vịnh Cam Ranh rồi đóng bè nuôi trồng thủy sản mà chẳng phải xin phép chính quyền địa phương và ngành chức năng? Người nước ngoài, người Trung Quốc vào Việt Nam cũng làm ăn theo kiểu này.

Trên vịnh Cam Ranh, xen lẫn trong hàng ngàn lồng bè của cư dân địa phương là hàng chục lồng bè nuôi hải sản của Công ty TNHH Song Phong. Mỗi bè rộng chừng 100m2 gồm hàng chục lồng nuôi được gắn kết với nhau.

Lao động thuê mướn là người Trung Quốc và cả người dân địa phương ở lại trên bè chăm sóc cá, ngày ngày ra vào những căn nhà dựng ngay trên bè nổi. Đứng trên bè cá, phóng tầm mắt là nhìn thấy toàn cảnh vịnh Cam Ranh.

be-ca-1.jpg

Anh Nguyễn Văn Nhật chỉ tay về hướng bè cá của người nước ngoài trên Vịnh Cam Ranh

Tại khu hồ nuôi cá, tôm ở phường Cam Linh, thành phố Cam Ranh, anh Nguyễn Văn Nhật cho biết, người dân ở đây đều biết rõ những người nước ngoài nuôi cá trên vịnh Cam Ranh, có những người đã sang đây cả chục năm rồi.

- Anh có biết bao nhiêu người nước ngoài không?-Ở đây có A Sìu và A Yóc. Kia là trại của A Sìu.

- Hai người đólàm bè riêng à?- Làm bè riêng nuối cá và tôm hùm

- Cá gì hả anh?- Cá Mú

- Họ nuôi ở đây có bán ra chợ hay mang đi đâu?- Mang về Trung Quốc.

- Tất cả đều nuôi và bán luôn?- Không có liên quan gì ở đây. Tàu đến chở đi chứ biết ai với ai đâu.

Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Trần Tính, Phó Chủ tịch UBND phường Cam Linh, thành phố Cam Ranh cũng không nắm rõ về số lao động người nước ngoài đang làm việc tại đây. Việc quản lý lỏng lẻo này được vị lãnh đạo chính quyền địa phương đổ lỗi cho cơ chế phân cấp: “Trong tất cả các bè ở đây có 1 bè của người nước ngoài. Chúng tôi thấy rằng công tác quản lý của mình đối với vấn đề này cần phải rút kinh nghiệm”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi: Phải chăng chính quyền địa phương buông lỏng công tác quản lý địa bàn, ông Trần Tính phân trần: “Chúng ta đang lúng túng trong việc phân cấp xử lý đối với người nước ngoài, nó vừa phải hài hòa vừa đảm bảo an ninh trên địa bàn. Đây là vấn đề khó của địa phương”

Hiện nay, các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Khánh Hòa đều do người Việt Nam đứng tên, nhưng thực chất hoạt động lại do người Trung Quốc đảm nhận. Điều đáng nói, tình trạng người lao động nước ngoài vi phạm Luật Lao động và Luật Cư trú tại tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra từ lâu.

Cuối năm 2009, trên cơ sở báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh Khánh Hòa đã “giao UBND thị xã Cam Ranh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các ngành chức năng, căn cứ pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các văn bản liên quan xử phạt đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về giấy phép lao động, đăng ký tạm trú và vi phạm về kinh doanh bè cá tại vịnh Cam Ranh”.

Vậy mà, 3 năm đã trôi qua, chính quyền và cơ quan chức năng thị xã Cam Ranh lúc đó, nay là thành phố Cam Ranh đã lờ đi ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh!

Trại nuôi cá trên Vịnh Cam Ranh của Công ty TNHH Song Phong

Mới đây, trong đợt kiểm tra môi sinh, môi trường tại các lồng bè ở thành phố Cam Ranh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện nhiều sai phạm tại các lồng bè của người nước ngoài núp bóng doanh nghiệp trong nước.

Điều đáng nói, 4 lao động là người Trung Quốc làm việc tại Công ty TNHH Song Phong mặc dù có giấy phép lao động nhưng có 2 người không đăng ký tạm trú tại địa phương. Còn tại các trại nuôi tôm giống của DNTN Xuân Thịnh, ở phường Cam Phúc Bắc và tại xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa sử dụng 5 lao động người Trung Quốc cũng có tới 4 trường hợp không có giấy phép lao động, không có thẻ cư trú và không đăng ký tạm trú.

Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, khẳng định: “Tại Cam Ranh chúng tôi đã tạo điều kiện để cấp giấy phép cho một số người lao động Trung Quốc nhưng trên tinh thần đúng quy định pháp luật, tức làm đầy đủ các giấy tờ liên quan. Với Công ty TNHH Song Phong, chúng tôi cấp giấy phép cho 4 lao động nước ngoài. Những người khác hoạt động mà không có giấy phép vi phạm pháp luật”.

Sau khi VOV và các cơ quan báo chí thông tin về tình trạng lao động người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có văn bản yêu cầu UBND thành phố Cam Ranh kiểm tra và báo cáo công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn.

Tình hình ngày một nóng lên, thế nhưng khi được hỏi, ông Đào Văn Hòa, Chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh chỉ cho biết: “Chúng tôi phải kiểm tra kỹ xem có đúng người Trung Quốc lập bè ở đây hay thuê bè của người khác. Kiểm tra để rà soát, chứ không phải không quản lý được. Cái nào còn thiếu sót chúng tôi phải khắc phục và chấn chỉnh.”

Trước tình trạng người nước ngoài làm việc trái phép tại nhiều vùng vịnh biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 11 trong số 19 lao động người nước ngoài đang làm việc tại 6 doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Khánh Hòa vì không có giấy phép lao động, không đăng ký tạm trú tại địa phương. Trong đó, chủ yếu là lao động người Trung Quốc.

Các trường hợp vi phạm đang tiếp tục bị xử lý theo đúng luật pháp của Việt Nam...

>> Phần tiếp theoKhông ai quản lý, lồng bè giăng kín Vũng Rô