Hiện công tác phòng, chống cháy rừng tại An Giang đã có sự chủ động, ngành Kiểm lâm trong tỉnh cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền cơ sở và các ngành liên quan. Tuy nhiên, rừng ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên hiện đã giao khoán cho từng hộ dân, việc khai thác cũng được các ngành chức năng và địa phương quản lý chặt chẽ. Do vậy, các hộ dân, với vai trò là các chủ rừng đã tự nâng cao được ý thức quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả.
Ông Chau Sóc Khách, một nguời dân ở đây nhận khoán nhiều ha rừng ở An Tức đây cho biết: “Hàng ngày, chúng tôi đều tổ chức đi tuần tra. Chúng tôi cũng tuyên truyền bằng tiếng KhMer và tiếng Việt để bà con hiểu thật rõ, nắm thật chắc, không gây nguy hiểm cho rừng. Tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, đừng hút thuốc, gây lửa cháy ở khu vực có rừng”.
Tại vùng Bảy Núi, hiện đang trong mùa hanh khô cực điểm nên các chủ rừng luôn lo lắng khi nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra ở mức cao. Do vậy, sự căng thẳng, lo âu luôn biểu hiện trên từng gương mặt của họ. Anh Chau Chếk, quản lý, chăm sóc 2 ha rừng ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn chia sẻ: Rừng đã được giao cho dân nên ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ rừng; không chỉ riêng diện tích rừng của mình mà diện tích rừng của cả nhiều nguời bên cạnh. Anh nói: “Trong thời điểm tuần tra, khi gặp người dân ở đường lên núi, chúng tôi đều yêu cầu phải tuyệt đối chấp hành việc bảo vệ rừng. Có hái trái xoài, trái mít, có nấu cơm để ăn xong là phải dọn dẹp sạch, không để lại tàn lửa và cành, nhánh khô. Nếu không sẽ rất nguy hiểm”.
Ông Chau Chít có hơn 3 ha rừng giao khoán. Mấy năm rồi, cuộc sống gia đình ông ngày càng ổn định, bởi có thu nhập thêm từ sản phẩm của rừng. Khi được bổ sung vào tổ kiểm tra, phòng chống cháy rừng ở xã Ô Lâm, ông trở thành một thành viên rất tích cực. Ông Chít tâm sự:“Mình đi rừng hàng ngày thì mình cũng kêu gọi người dân, bà con phải tích cực hơn trong công tác phòng chống cháy rừng. Mình phải nhắc nhở, nhất là những em nhỏ khi vào rừng không được đem dụng cụ gây cháy theo. Cháy xảy ra là nguy hiểm lắm, để cháy rừng của Nhà nước là có tội”.
Hiện nay, trong số hơn 18.000 ha rừng ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, ngành kiểm lâm tỉnh An Giang đã giao khoán cho bà con khoảng 10.000 ha. Bà con ở đây đã thành lập và duy trì gần 40 tổ quần chúng, tổ hợp tác để bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Ông Lương Văn Liếng, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang khẳng định: “Đất rừng đã giao khoán là điều kiện thuận lợi để bà con có ý thức tự chủ phòng, chống cháy rừng”.
Ông Lương Văn Liếng nói: “Bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sống cho người dân, vì vậy mọi người dân sinh sống đều chung tay góp sức để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. Hiện nay, có thể nói, trận chiến phòng chống cháy đang vào cao điểm. Chúng tôi tập trung mọi biện pháp, nhất là tuyên truyền nơi vùng đồng bào dân tộc, để qua đó, mọi người dân cùng quyết tâm bảo vệ rừng”./.