Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, năm 2017, Bộ GTVT tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, kịp thời hoàn thành 22 dự án để đưa vào khai thác; hoàn thành công tác chuẩn bị, khởi công 12 dự án.

bot2_wxkw.jpg
Tài xế trả tiền lẻ qua trạm BOT khiến nhiều trạm thất thủ thời gian qua.

Bộ GTVT đã xem xét, chấp thuận giảm giá theo thẩm quyền cho các phương tiện khu vực trạm thu giá tại 46/51 dự án BOT giao thông, đang đàm phán để xử lý 5 dự án còn lại. Trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về đối tượng và mức giảm, Bộ GTVT đã giảm giá các xe loại 4 và loại 5 (là các xe tải lớn chịu mức phí cao) của 35 dự án; 27 dự án có mức giá đã thấp hơn mức trung bình; 11 dự án chưa giảm do lưu lượng xe thấp hơn dự kiến nếu giảm giá thì phương án tài chính không khả thi nên nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng chưa đồng ý giảm giá.

Bên cạnh đó, hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) cũng được triển khai quyết liệt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Giao thông Vận tải.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những công việc mà ngành GTVT đã đạt được trong năm qua. Đặc biệt là việc kéo giảm số người chết và bị thương về TNGT.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hàng loạt những tồn tại, bất cập cũng như thách thức của ngành giao thông trong năm vừa qua đã được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra đồng thời đưa ra những giải pháp tập trung xử lý tổng thể các vấn đề này một cách quyết liệt trong năm 2018.

Tầm quan trọng của hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị là tiền đề, nhân tố để tạo môi trường đầu tư, huy động nguồn lực, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT rà soát tháo gỡ những rào cản, nhất là chính sách để huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho hạ tầng như chính sách hợp tác công-tư (PPP); rà soát việc tái cơ cấu ngành trên cơ sở đó tập trung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch liên quan đến giao thông như quy hoạch hàng không, đường bộ cao tốc, cảng biển, đường sắt, đường thủy nội địa...

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, việc khai thác các dự án BOT còn bất cập, tạo ra điểm nóng xã hội là việc cần rút kinh nghiệm để xử lý. 

Bộ GTVT rà soát lại dự án quan trọng đang dở dang hoặc chưa làm, phải làm trước để phát huy hiệu quả sớm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân đối nguồn vốn hợp lý bổ sung, quan tâm đến khu vực trọng điểm, khu vực còn khó khăn.

Đặc biệt, tiếp tục tập trung xử lý bất cập trong dự án BOT, đây là vấn đề lớn. Do đó, Bộ GTVT tiếp tục rà soát tổng thể, đồng bộ dự án BOT, xác định rõ tổng vốn phù hợp quy định, xác định giá bảo đảm lợi ích người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, Nhà nước.

“Bộ GTVT cần rà soát, tính toán cả vị trí trạm đặt BOT để công bố công khai cho người dân biết, lập lại trật tự các trạm BOT, đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông bằng nguồn ngoài xã hội, vốn ngoài nhà nước, phải đáp ứng lợi ích hài hòa. Rà soát giá phí dịch vụ tại các cảng hàng không, theo đúng quy định”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với những dự án trọng điểm quốc gia, Phó Thủ tướng yêu cầu đường cao tốc nhánh phía Đông sớm hoàn thành cơ chế đặc thù để báo cáo Chính phủ ra Nghị quyết, hoàn thiện quá trình chuẩn bị đầu tư để thực hiện đầu tư, trong đó có yêu cầu tổ chức lựa chọn nhà thầu bằng hình thức đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch, không để xảy ra lựa chọn nhà thầu cam tính dẫn đến thất thoát, lãng phí, tham nhũng, giảm hiệu qủa đầu tư.

Ngành giao thông phải hoàn thành báo cáo khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành để năm 2021 triển khai, năm 2025 đưa vào hoạt động giai đoạn đầu; tập trung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, ưu tiên đoạn Hà Nội-Vinh, TP. Hồ Chí Minh-Nha Trang để báo cáo Chính phủ, Quốc hội, chuẩn bị nguồn lực để có thể đầu tư trong giai đoạn 2021-2030...Bên cạnh đó, Bộ GTVT cần đẩy mạnh tái cấu trúc các lĩnh vực vận tải trong đó tăng cường các phương thức, chú ý thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển logistic.

Phát triển giao thông nông thôn, miền núi, vùng sâu, vừng xa gắn với bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Công an tăng cường giải pháp đồng bộ quyết liệt hơn, bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại người, tài sản, nhất là trong dịp Tết, lễ hội, siết chặt quản lý vận tải trong đó chú ý tải trọng xe, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường tại các đô thị./.