Sắp xếp lại tổ chức, biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập không phải là cắt giảm cơ học mà mục đích cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu lực và chất lượng trong cung ứng dịch vụ công. Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công tại cuộc họp sáng 7/6 sau khi nghe các Bộ: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công thương báo cáo về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo báo cáo, Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi sắp xếp lại đã giảm được khá nhiều các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành quản lý tại các địa phương, từ 626 đơn vị năm 2011 xuống còn 436 đơn vị vào năm 2016. Đây cũng là Bộ có khả năng tự chủ khá cao về tài chính. Trong đó số đơn vị tự chủ bảo đảm kinh phí hoạt động đến năm 2016 là 67 đơn vị, chiếm tới 74%.
Thu sự nghiệp từ thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, Nhà nước đặt hàng, hoạt động dịch vụ khác tăng mạnh, năm 2016 bằng 303% so với năm 2011. Về tiết kiệm chi thường xuyên, tăng thu nhập cho người lao động, năm 2016 có 57% số đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ đã chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với các bộ về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sáng 7/6 (ảnh: báo Đại biểu nhân dân) |
Tuy nhiên, báo cáo của các Bộ cũng cho thấy những tồn tại, hạn chế trong thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, một số đơn vị sự nghiệp công lập khi mở rộng hoạt động dịch vụ còn chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng hoạt động, lạm dụng kỹ thuật để tăng thu. Một số đơn vị chưa phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, thực hiện nhiệm vụ cũng như tài chính. Trong một số lĩnh vực, số lượng đơn vị tự chủ toàn diện còn ít, mức độ tự chủ thấp, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành các nghị định về cơ chế tự chủ tổ chức, tài chính trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề; sớm ban hành quy định về đấu thầu, đặt hàng để tạo công bằng, động lực phát triển cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Cái này đang tự làm chứ chưa có quy định chung cho các bộ ngành. Đảm bảo nguồn lực phát triển ở một lĩnh vực khó xã hội hóa đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp. Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục nghề.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ cung cấp đầy đủ thông tin về hệ thống mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ quản lý với căn cứ, tiêu chí cụ thể để sắp xếp lại. Đối với Bộ Công thương, Phó Thủ tướng lưu ý về việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công trước đây cũng như hiện nay trực thuộc các tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước. Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét việc sắp xếp lại các Ban quản lý dự án ở Trung ương và địa phương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tinh giản bộ máy, biên chế nhưng phải tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động: “Hướng tới rà soát sắp xếp lại theo hướng giảm đầu mối, tinh giản biên chế bộ máy để giảm kinh phí thường xuyên hàng năm nhưng mục tiêu phải đảm bảo tăng cường cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công. Sắp xếp lại không phải là bài toán đơn giản chỉ là cắt giảm cơ học mà mục đích cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu lực và chất lượng trong cung ứng dịch vụ công, đảm bảo cho ng dân và doanh nghiệp tiếp cận được các dịch vụ công”./.
Phó Thủ tướng: Không nên hiểu đổi mới đơn vị công lập là dẹp bớt đi
Nâng chất lượng các trường đại học ngoài công lập là nhu cầu cấp thiết