Với lịch sử phát triển 135 năm, mạng đường sắt Quốc gia hiện có tổng chiều dài hơn 3.100 km. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã quản lý, kinh doanh, khai thác đường sắt quốc gia có hiệu quả, đặc biệt từ khi thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng đường sắt còn lạc hậu và ngày càng xuống cấp, năng lực vận chuyển hạn chế, tính cạnh tranh thấp, nguy cơ mất an toàn trong khai thác cao. Nguyên nhân chính là trong thời gian dài đầu tư cho hạ tầng đường sắt không đáng kể, trong khi đường bộ, đường hàng không được tập trung đầu tư khá nhiều nên thị phần vận tải đường sắt liên tục sụt giảm. Vận tải hành khách, với các tuyến ngắn không cạnh tranh được với đường bộ, các tuyến đường dài khó cạnh tranh với hàng không giá rẻ.
Năm 2015, khối lượng vận chuyển bằng đường sắt chỉ chiếm 2,7% về hành khách và 1,8% về hàng hóa trong toàn ngành giao thông vận tải. Định hướng đến 2020, ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h đối với tàu khách và 50 - 60 km/h đối với tàu hàng. Nghiên cứu phương án xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam, các tuyến nối các cảng biển lớn, khu công nghiệp, du lịch.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã tổ chức tái cấu trúc hoạt động của Tổng công ty, trong đó, có việc xác định rõ mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn.
Cùng với đó là tập trung tái cơ cấu trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp quản lý, đầu tư xây dựng. Nhờ vậy, hạ tầng đường sắt đã có bước thay đổi, tham gia thị phần vận tải hành khách và hàng hóa, góp phần phát triển đất nước.
Kết quả tái cơ cấu là bước đầu nhưng rất quan trọng, là cơ sở để đúc kết rút kinh nghiệm, tiếp tục tái cơ cấu trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, ngành đường sắt vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Giao thông ùn tắc, dự án đường sắt trên cao vẫn thi công tiến độ “rùa”
Để đáp ứng yêu cầu phát triển đường sắt trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị: Cần phải có thứ tự để ưu tiên, nâng cấp đường sắt Bắc – Nam, từng bước đạt được mục tiêu đạt tốc độ 80-90 km/giờ đối với vận tải hành khách, từng bước đầu tư khắc phục các nút thắt về kết cấu hạ tầng đường sắt.
Đầu tư nâng cấp, cải tạo các nhà ga, đường sắt, các nhà ga có lượng hành khách lớn. Đồng thời, từng bước xóa bỏ các điểm giao thông đồng mức giữa đường sắt và đường bộ. Đầu tư nâng cấp trang thiết bị của ngành đường sắt, từng bước kết nối hệ thống đường sắt quốc gia với các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ lớn, kết nối với cảng biển và các nước trong khu vực./.