Dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 66 km, trong đó 11 km thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai và 55km địa phận Lâm Đồng. Đây là một trong 3 dự án thành phần của Dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Đoạn cao tốc này có tổng mức đầu tư 16.220 tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư, có hỗ trợ góp vốn của Nhà nước. Dự án được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025. Riêng đoạn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có chiều dài hơn 73km, với tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ khoảng 11.311 tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư. Thời gian thực hiện đoạn cao tốc này từ 2022 – 2025, thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm.

Theo ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đơn vị được giao thẩm quyền tổ chức thực hiện các dự án, cả 2 đoạn cao tốc này cần sử dụng trên 940 ha đất, trong đó có 189 ha đất có rừng, chủ yếu thuộc địa bàn Lâm Đồng. Ngoài kiến nghị sớm phê duyệt chủ trương đầu tư, chuyển mục đích sử dụng rừng, Lâm Đồng còn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ đầu tư đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú.

Ông Trần Văn Hiệp, nói: “Sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, nếu được thì rất mong Phó Thủ tướng, có sự tham vấn của các bộ, ngành, cho Lâm Đồng và Đồng Nai làm song song. Bây giờ rừng đã kiểm đếm xongi, con số đã có đầy đủ hết, mà giờ nếu ngồi chờ nữa thì sẽ mất thêm 6 tháng, trong khi bụng thì như lửa đốt".

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao việc tỉnh Lâm Đồng đã chủ động được nguồn vốn xã hội từ các doanh nghiệp và một phần vốn địa phương, không sử dụng ngân sách Trung ương khi thực hiện đầu tư hơn 140 km đường cao tốc. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành liên quan tập trung hỗ trợ các tỉnh tháo gỡ khó khăn, hoàn thành các thủ tục theo quy định để sớm thi công, đưa các đoạn cao tốc vào hoạt động theo kế hoạch. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nói: “Đoạn Dầu Giây lên Tân Phú khó khăn như thế nào thì Bộ GTVT cùng với địa phương phải đẩy nhanh tiến độ. Đoạn thứ hai, từ Tân Phú đi Bảo Lộc thì đề nghị Đồng Nai cố gắng thu hồi đất, tham mưu cho UBND tỉnh trình để Bộ NN&PTNT trình lên Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Cần cố gắng trình sớm vì nếu chúng ta chậm một ngày thì dự án chậm một ngày. Các bộ, ngành cũng sẽ ghé vai vào, tôi cũng sẽ chia sẻ trách nhiệm cùng các đồng chí để làm sao phấn đấu đến tháng 10/2022 khởi công. Dự án thứ ba là tuyến từ Bảo Lộc lên Liên Khương thì các đồng chí có thể triển khai song song”./.