Thời gian gần đây, vấn đề phạt “nguội” đối với người và phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông đang được dư luận quan tâm. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các thiết bị giám sát giao thông đã được lắp đặt từ năm 2004 và đến nay đã có hơn 90 camera giám sát giao thông. Nhưng đáng nói là người dân vẫn không mấy để ý và vấn đề phạt “nguội” các lỗi vi phạm cũng còn nhiều khó khăn.
Xa lộ Hà Nội - đoạn chân cầu Sài Gòn, Quận 2 là một trong nhiều điểm thuộc tầm quan sát camera giám sát giao thông. Mỗi ngày, có hàng trăm ngàn lượt phương tiện đi qua đoạn này và cũng có hàng trăm trường hợp vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, nhiều nhất là các trường hợp chạy lấn làn đường. Nhiều người vi phạm khi được cảnh báo đều cho rằng: do không biết có camera ghi hình, chứ nếu biết thì đã chạy xe....đàng hoàng hơn.
Dọc đại lộ Mai Chí Thọ nối dài tới đại lộ Võ Văn Kiệt, đi qua Quận 1, Quận 2, Quận 5, Quận 6, Quận Bình Tân… hiện có hơn 20 camera giám sát được lắp đặt. Tuy nhiên, tình trạng xe vượt đèn đỏ, chạy lấn làn, đi ngược chiều vẫn xảy ra, gây nên những hậu quả tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Vi phạm luật giao thông ngay dưới tầm ngắm của camera không chỉ xảy ra đối với xe máy, mà còn có cả ô tô. Anh Nguyễn Minh Tuấn, tài xế xe chạy hợp đồng cho rằng: “Thỉnh thoảng có vượt ẩu, có khi biết chắc là bị camera ghi hình nhưng may mắn vẫn chưa bị phạt “nguội” lần nào”.
Từ tháng 11/2013 đến 11/2014, Công an Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận có trên 33.000 trường hợp vi phạm các lỗi giao thông bị camera ghi hình. Thông báo vi phạm hành chính đều đã được gửi về địa phương, nhưng chỉ có khoảng 5.000 trường hợp thi hành quyết định xử phạt, đạt 16,21%, với số tiền nộp Kho bạc Nhà nước hơn 9,2 tỉ đồng.
Riêng 4 tháng trở lại đây, đã có khoảng 13.000 trường hợp vi phạm các lỗi giao thông được camera ghi hình và chỉ có 980 trường hợp đến nộp phạt. Đa số trường hợp đóng phạt “nguội” là người điều khiển xe bốn bánh.
Thượng úy Lê Hồng Phương, Phó Đội trưởng Đội Chỉ huy và điều khiển tín hiệu giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Xử phạt “nguội” chưa hiệu quả với xe hai bánh là nhiều lý do như: khó xác định được chủ phương tiện vì xe không sang tên chính chủ; chủ xe đã chết; chủ sở hữu đang thi hành án phạt tù, đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, hay xuất cảnh...
Thượng uý Lê Hồng Phương cho biết thêm, khi lập biên bản, thông báo xử lý vi phạm gửi về địa phương thì có một số chủ phương tiện chuyển chỗ ở, hoặc di chuyển đi nơi khác. Vì vậy, vấn đề tìm được chủ sở hữu của phương tiện gặp rất nhiều khó khăn.
Ưu điểm của thiết bị giám sát giao thông thì đã rõ, nhưng xử phạt “nguội” đối với rất nhiều trường hợp vi phạm vẫn còn nhiều nan giải. Chấp hành trật tự an toàn giao thông không chỉ phụ thuộc vào ngành chức năng mà chủ yếu là ở ý thức tự giác của người tham gia giao thông./.